Hội thảo quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin – Thực trạng và xu thế”

08/07/2020 10:59 GMT+7
Ngày 05/03/2020, tại Nhà khách Quốc hội, Hà Nội, Trung tâm Thông tin và Dự báo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN), với sự hỗ trợ của DAAD, Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức, tổ chức hội thảo quốc gia “Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin – Thực trạng và xu thế”. Chương trình hội thảo nằm trong khuôn khổ Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Phó Viện truởng Viện KHGDVN phát biểu khai mạc hội thảo
  
Mục tiêu của hội thảo nhằm tạo cơ hội chia sẻ và trao đổi các kết quả nghiên cứu về thực trạng cũng như dự báo xu huớng nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao ngành công nghệ thông tin đến năm 2025. Đồng thời, tạo ra một diễn đàn để các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế, đại diện bên cầu lao động (các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động) và bên cung lao động (ngành giáo dục, các trường đại học...) cùng thảo luận về vấn đề phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin - định hướng chương trình đào tạo và giải pháp giai đoạn 2020- 2025 và hướng đến 2030. Hội thảo do PGS. TS Nguyễn Đức Minh, Phó Viện trưởng Viện KHGDVN, và PGS. TS. Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo chủ trì. 
 
Ông Hase Bergen, Trưởng đại diện DAAD phát biểu cháo mừng
  
Đến dự hội thảo, về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có đại diện lãnh đạo Viện; đại diện lãnh đạo các phòng chức năng, các Ban, Trung tâm ứu cùng các chuyên gia, cán bộ nghiên cứu thuộc Viện. Về phía khách mời có ông Hase Bergen, Trưởng Đại diện DAAD tại Việt Nam; PGS. TS. Lưu Bích Ngọc, chánh văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; Ông Nguyễn Thanh Tuyên, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Tô Nam, Phó cục trưởng Cục CNTT, Ông Hoàng Công Dụng, Phó GĐ Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ưng nhân lực, đại diện Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; đại diện các trường đại học; các Viện nghiên cứu, và các nhà khoa học trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
  
Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, ông Hase Bergen khẳng định, Chủ đề của Hội thảo thật sự rất quan trọng và vô cùng cần thiết không chỉ đối với Việt Nam hôm nay mà cả với các nước phát triển như CHLB Đức. Trong một thị truờng lao động thay đổi nhanh chóng và với sự xuất hiện của CMCN 4.0, việc phát triển nguồn nhân lực CNTT chính là chìa khóa để phát triển kinh tế - xã hội thành công. Hội thảo này chính là một phần quan trọng dóng góp cho sự phát triển này. 
  
  
Ông Phạm Đỗ Nhật Tiến trình bày tham luận “Phát triển nhân lực công nghệ thông tin: Vấn đề và Giải pháp”. Ông cho rằng chúng ta đã có một hệ thống văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghệ thông tin (CNTT) nói chung, nhân lực CNTT nói riêng. Tuy nhiên trong so sánh quốc tế, điều đáng lo ngại là chúng ta đang tụt hậu về CNTT so với bước tiến của thế giới. Riêng về nguồn nhân lực CNTT, hiện trang là vừa thiếu, vừa yếu. Các kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng Nguồn nhân lực hiện nay của chúng ta chưa sẵn sàng cho cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trên cơ sở phân tích những bất cập trong chính sách và tổ chức thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực CNTT, kết hợp với một số khuyến nghị quốc tế, bài viết đề xuất một số giải pháp thiết thực trong tổ chức thực hiện để nguồn nhân lực CNTT có thể đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
 
  
PGS. TS. Nguyễn Thị Lan Hương, Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội trình bày các kết quả sơ bộ Khảo sát thực trạng nhân lực đựợc đào tạo ngành công nghệ thông tin:. Số liệu cho thấy việc đào tạo CNTT có nhiều điểm sáng, hầu hết sinh viên ra truờng có việc làm; thu nhập khá cao so với các ngành khác;, tuy nhiên đào tạo còn mang nặng tính truyền thống, và khả năng đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp vẫn ‘khát’ nhân lực CNTT. Từ đó đưa ra một số khuyến nghị cần chú trọng tới vấn đề đổi mới quá trình đào tạo bao gồm quản trị, giáo viên, tài chính cho các cơ sở đào tạo; tăng cường đào tạo theo các tiêu chuẩn của DN về kiến thức, kỹ năng, hành vi thái độ; nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp; tăng cường hệ thống thông tin thị trường lao động; tăng cường kết nối cơ sở đào tạo với doanh nghiệp.
  
PGS, TS. Võ Đình Bảy và Ths. Dương Thành Phết, Trường đại học công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, có bài trình bày trực tuyến với chủ đề “Đào tạo nhân lực công nghệ thông tin gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà truờng: Kinh nghiệm thực tế triển khai”. Theo kết quả điều tra của trường,trong những năm gần đây, số sinh viên được đào tạo ngành CNTT có việc làm sau khi nhận bằng tốt nghiệp ngày càng tăng và đạt đến tỷ lệ trên 99% cao nhất so với các ngành nghề khác, tỷ lệ sinh viên bỏ học, chuyển ngành giảm đi đáng kể; Kết quả khảo sát từ doanh nghiệp về mức độ hài lòng ngày càng tăng. Để đạt được mục tiêu này trườngđã phát triển các mối quan hệ hợp tác với Doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.Kết quả thực tế khi triển khai đã mang lại nhiều thành công so với những mô hình trước đây. Các tác giả cũng đưa ra 08 mô hình hợp tác với doanh nghiệp, cùng những khó khăn, thuận lợi mà nhà trường đã trải qua. Đây cũng là những kinh nghiệm quý cho các trường được chia sẻ tại hội thảo.
 
  
Một trong những kết quả quan trọng của đề tài về “Dự báo nhu cầu lao động ngành công nghệ thông tin” đã được nhóm tác giả bà Trần Thị Thái Hà và ông Phạm Ngọc Toàn, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Phân tích và Dự báo Chiến lược, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trình bày . Các tác giả đã sử dụng số liệu điều tra lao động việc làm của Tổng cục Thống kê giai đoạn 2012-2018 để phân tích thực trạng nhân lực trình độ đại học nói chung và trình độ đại học ngành công nghệ thông tin nói riêng trên thị trường lao động. Bài viết dự báo cầu lao động trình độ đại học ngành CNTT bằng mô hình Input Output. Kết quả cho thấy nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên chuyển biến tích cực, , đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực đựợc đào tạo CNTT cao trong các ngành kinh tế như Thông tin và truyền thông, ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo.
  
 
 
 
 
Đại biểu trao đổi tại hội thảo
  
Hội thảo thảo luận các vấn đề liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 từ các góc nhìn của các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các cơ sở đào tạo và của các doanh nghiệp sử dụng lao động.
  
Phát biểu bế mạc hội thảo, thay mặt cho Ban tổ chức, bà Trần Thị Thái Hà gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tất cả các nhà khoa học các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các quý đại biểu đã gửi bài viết, tham dự, chia sẻ ý kiến, thảo luận tại hội thảo. Đây là những đóng góp quý cho nhóm nghiên cứu để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ đề tài, góp phần giải bài toán lớn đó là ‘thu hẹp khoảng cách giữa Cung – Cầu nguồn nhân lực trình độ ĐH’, thúc đẩy phát triển nên kinh tế nước nhà.
  
Đại biểu tham dự hội thảo
  
Trung tâm Thông tin và Dự báo