(BGD&ĐT) - Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập

26/10/2017 13:35 GMT+7
Ngày 20/10, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 của Chính phủ giai đoạn 2014 - 2017. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Mô hình thí điểm tự chủ được đánh giá tích cực

Theo báo cáo đánh giá của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Kinh tế Quốc dân trình bày tại Hội nghị, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 - 2017, mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các cơ sở giáo dục đại học đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận.

 
Toàn cảnh Hội nghị 

Các trường tự chủ đã được giao nhiều quyền hơn nữa trong các lĩnh vực, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính nên đã chủ động, linh hoạt hơn trong tổ chức thực hiện các hoạt động của nhà trường.

Thời gian mở ngành nhanh chóng hơn giúp các trường chủ động trong đào tạo, tận dụng cơ hội mở ngành đào tạo để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của xã hội. Đào tạo chính quy đại trà có phần suy giảm, trong khi quy mô các chương trình tiên tiến, chất lượng cao tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2015.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu, số đề tài khoa học công nghệ được phê duyệt từ 2013 - 2016 nhìn chung tăng lên. Tổng số đề tài trung bình hàng năm khoảng 500 đề tài. Số lượng các công trình được công bố của 12 trường tự chủ cũng tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013 - 2016, trong đó số lượng bài viết được công bố trên các tạp chí chuyên môn nước ngoài tăng từ 574 bài năm 2013 lên 1437 bài năm 2016.

Về tổ chức bộ máy, các trường chủ động hơn trong thành lập mới, sáp nhập, chia tách, giải thể, nâng cấp các đơn vị trong trường, nhà trường. Sự sắp xếp lại tổ chức đem lại những hiệu quả tích cực. Cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý hơn do lực lượng lao động trực tiếp (giảng viên) tăng lên, trong khi đội ngũ lao động gián tiếp (chuyên viên, nhân viên) giảm xuống.

 
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì phần thảo luận tại Hội nghị
 

Tỷ lệ giảng viên chức danh GS và PGS tại các trường tự chủ trên 2 năm chiếm 9,2% tổng số giảng viên của các trường và lớn hơn khá nhiều so với tỷ lệ 6% trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Tỷ lệ giảng viên có học hàm, học vị từ thạc sĩ trở lên tại các trường tự chủ đã tăng lên so với giai đoạn trước tự chủ.

Đến nay đã có 8/12 trường tự chủ trên 2 năm đã thành lập Hội đồng trường, chiếm tỷ lệ 66,7% - so với các trường chưa tự chủ, và tổng thể tỷ lệ các trường đại học tự chủ, có Hội đồng trường cao hơn rất nhiều (tỷ lệ cho các nhóm trường chưa tự chủ là 32,1% và tổng thể các trường đại học tại Việt Nam chỉ là 36,2% cơ sở có Hội đồng trường.

Về tài chính, tổng thu (không tính đầu tư xây dựng cơ bản) giai đoạn sau tự chủ so với trước tự chủ tăng 16,6%. Cơ cấu các khoản thu của các trường đại học công lập tự chủ chưa có sự thay đổi rõ rệt trước và sau tự chủ. Thu từ học phí tăng 4,29% so với thời điểm trước tự chủ và vẫn là nguồn thu chính của các trường đại học, chiếm trên 70% tổng thu của các trường.

Cơ chế thí điểm tự chủ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong công tác xây dựng kế hoạch tài chính và dự toán ngân sách ngắn hạn, trung hạn, dài hạn… Các trường có thể chủ động nhiều hơn trong đầu tư mua sắm; chi học bổng cho sinh viên tăng từ 98 tỷ lên 137 tỷ, tỷ lệ gần 40%...

Cùng với việc tăng học phí, các trường đã thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, đảm bảo chất lượng đối với người học, thực hiện chính sách xã hội hóa đối với người học, có những thay đổi về chính sách học bổng và học phí đối với đối tượng chính sách.

Cần những chính sách đồng bộ

Bên cạnh những kết quả đạt được, sau gần 3 năm thực hiện tự chủ, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã bộc lộ cần được tháo gỡ trước khi cơ chế tự chủ chính thức được vận hành rộng rãi.

 
TS Nguyễn Thiên Tuế, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM đề nghị,
Chính phủ, các bộ ngành sớm điều chỉnh, bổ sung những quy định ưu đãi cho các trường tự chủ

Hoạt động tự chủ đại học của các trường đại học công lập hiện đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Viên chức và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường đại học và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy rằng, dù đã có một số văn bản cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi Luật, đặc biệt là Luật Giáo dục Đại học, Luật Đầu tư Công, Luật Khoa học Công nghệ… nên thực tế cơ sở pháp lý về tự chủ đại học chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường được giao tự chủ, một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai.

 
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
kiến nghị, Chính phủ sớm chính thức hóa việc tự chủ và mở rộng tự chủ
 

6 bất cập được nhóm nghiên cứu đưa ra, đó là: thiếu quy định và định nghĩa cụ thể về tự chủ và quyền của các trường đại học trong việc xác định quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường; nhiều quy định, văn bản pháp lý chưa thay đổi kịp để hỗ trợ các trường đại học tự chủ; các trường chưa rõ thẩm quyền được tự chủ của mình; tính thiếu đồng bộ, thống nhất và khả thi trong hệ thống các văn bản pháp quy, cơ chế, chính sách về thực hiện tự chủ đại học; việc giao quyền tự chủ đối với giáo dục đại học mới chỉ thực hiện trong phạm vi thí điểm, chưa trở thành yêu cầu cấp thiết với các trường; điều kiện tự chủ mới chỉ tiếp cận chủ yếu từ góc độ về tài chính chưa tính đến năng lực chuyên môn và năng lực tổ chức quản lý của các cơ sở đào tạo.

Hiện nay, vấn đề tổ chức quản trị tại các cơ sở giáo dục thí điểm vẫn còn nhiều tranh cãi. Cơ quan chủ quản, hội đồng trường hay công tác tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục tại các trường tự chủ còn chưa thống nhất về ý tưởng và quá trình thực hiện làm ảnh hưởng tới hiệu quả tự chủ.

Hội đồng trường được xác định là cực kỳ quan trọng trong quá trình tự chủ nhưng đến nay vẫn còn nhiều trường chưa thành lập được. Nguyên nhân là do sự thiếu đầy đủ và chưa rõ ràng trong cơ chế chính sách; mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu chưa rõ ràng; các cơ quan chủ quản chưa quyết liệt trong việc thành lập Hội đồng trường; cơ cấu, tỷ lệ thành phần chưa hợp lý; hoạt động của Hội đồng trường còn mang tính hình thức.

Không nâng cao chất lượng đại học là  không hoàn thành nhiệm vụ với đất nước

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ đại học không phải chờ đến Nghị quyết 77 mới nhắc đến mà trước đó hàng chục năm đã được nói rồi, vì vậy thời điểm này không phải bàn có cần tự chủ hay không mà là phải làm, phải ban hành các văn bản chính thức để tiếp tục làm tiếp, nếu chưa kịp ban hành văn bản mới để tháo gỡ vướng mắc thì tiếp tục cho các trường làm như hiện nay.

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng,
mục đích cuối cùng của tự chủ là nâng cao chất lượng giáo dục đại học
 
 

Theo Phó Thủ tướng, tự chủ trước hết đặt ra là tự chủ về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu, bỏ can thiệp hàng ngày, có tính hành chính, áp đặt hành chính vào trong nội bộ các trường đại học. Còn tự chủ tài chính chỉ là một phần và được hiểu là tự chủ về thu và chi theo quy định pháp luật.

 “Mục đích cuối cùng của tự chủ là nâng cao chất lượng giáo dục đại học, góp phần quyết định vào đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Không nâng cao chất lượng giáo dục đại học, chúng ta không hoàn thành trách nhiệm với đất nước, với xã hội” - Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng lưu ý, tinh thần tự chủ phải đi xuống từng trường, đến tận giảng viên. Trước hết, phải đổi mới ngay tư duy cho lãnh đạo các trường đại học, trực tiếp nhất từ các hiệu trưởng. Hội đồng trường phải thể hiện được quyền lực của mình trong quyết định 2 vấn đề: tổ chức bộ máy nhân sự của trường, kể cả quyết ai là hiệu trưởng, hiệu  phó, trưởng khoa, trưởng bộ môn và tài chính.

 
 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trao đổi bên lề Hội nghị

“Điều tối quan trọng là tất cả các trường, đầu tiên là các trường tự chủ phải có một bộ quy tắc ứng xử giống bộ luật của trường, được thông qua tập thể cán bộ, giảng viên nhà trường và phải được Hội đồng trường thông qua thành cơ sở để thực hiện giám sát nội bộ và giải trình trách nhiệm với xã hội”- Phó Thủ tướng đề nghị.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng, các trường đại học phải có một cơ chế để lập các quỹ học bổng hay các quy định cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận đại học cho đối tượng chính sách. Đồng thời nhất định phải đẩy mạnh kiểm định và xếp hạng, có như thế mới nâng cao được trách nhiệm giải trình trách nhiệm với xã hội.

Không tự chủ các trường đại học sẽ có nguy cơ đào thải

Đánh giá cao 23 trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ, coi đây là những đầu tàu, có vai trò dẫn dắt cả hệ thống đại học thực hiện tự chủ trong giai đoạn tới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, các trường cần thấy được trách nhiệm của mình trước vấn đề tự chủ vì nếu không thực hiện tự chủ sẽ có nguy cơ đào thải và tụt hậu rất xa.

Bộ trưởng yêu cầu nhóm nghiên cứu, các đơn vị thuộc Bộ, sau hội nghị này rà soát, đánh giá để có báo cáo ngắn gọn, khả thi, cụ thể để báo cáo Chính phủ xin tiếp tục thực hiện tự chủ, không chỉ cho các trường đang thực hiện mà cả những trường chưa thực hiện.

 
 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, những gì thuộc thẩm quyền,
Bộ GD&ĐT sẽ làm một cách tối đa, không phải vì các trường mà vì lợi ích quốc gia

Trước các ý kiến liên quan đến cơ chế chính sách tự chủ, Bộ trưởng cho biết, về phía Bộ GD&ĐT, gần như tất cả những kiến nghị liên quan đến vấn đề thực hiện tự chủ đề xuất trong hội nghị hôm nay, ngành đã có chỉ đạo, thậm chí còn chỉ đạo rộng hơn.

“Những gì thuộc thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, chúng tôi sẽ làm một cách tối đa, không phải vì các trường mà vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên không phải chỉ Bộ GD&ĐT tiên phong là xong, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến các bộ, ngành khác, vì vậy, rất cần sự đồng bộ và hiệp đồng trách nhiệm trong quá trình triển khai” - Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng thông tin thêm, tới đây, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung vào quá trình hậu kiểm để nhìn nhận những trường đại học nào làm tốt, chỉ ra những điểm mạnh, yếu của mỗi trường, vì vậy, mỗi trường cần phải nâng cao hơn nữa tính minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Bộ trưởng cũng đề nghị các trường cần quan tâm xây dựng quy tắc, quy chế công khai, từ đào tạo mở ngành, tài chính, nhân sự để Hội đồng trường tham gia, qua đó giám sát.

“Mấu chốt của hội đồng trường là quyết định những vấn đề lớn và kiểm soát. Muốn kiểm soát được phải có quy định, quy chế, có như thế hiệu quả hoạt động của Hội đồng trường mới cao” - Bộ trưởng nêu rõ.

Nâng cao năng lực quản trị, chất lượng đội ngũ giảng viên cũng là những vấn đề Bộ trưởng lưu ý với các trường đại học trong quá trình thực hiện tự chủ.

Trung tâm Truyền thông giáo dục, Bộ GD&ĐT