Hội thảo Tăng cường chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững khu vực Mê Kông

10/05/2018 11:53 GMT+7
Trong hai ngày 8-9/5/2018, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tham dự hội thảo Tăng cường chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững khu vực Mê Kông được đồng tổ chức bởi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và Trung tâm Giáo dục quốc tế về phát triển bền vững Thụy Điển (Swedish international Centre of Education for Sustainable Development – SWEDESD) thuộc Đại học Uppsala (Thụy Điển). Tham dự Hội thảo có nhiều đại diện đến từ các tổ chức quốc tế, các Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ có liên quan chịu trách nhiệm triển khai và điều phối các mục tiêu phát triển bền vững của các quốc gia thuộc khu vực sông Mê Kông, bao gồm Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam.

Trong phiên toàn thể, PGS. TS. Vũ Trọng Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ GD & ĐT; Đại sứ Nhật Bản; và ông Toshiyuki Matsumoto, chuyên gia giáo dục, UNESCO Hà Nội đọc diễn văn khai mạc. Cũng trong phiên này, đại diện các nước thuộc khu vực sông Mê Kông (Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam) đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai các chính sách giáo dục vì sự phát triển bền vững - cơ hội, thách thức và bài học kinh nghiệm của mỗi quốc gia. Về phía Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam PGS.TS. Lê Anh Vinh đã có bài trình bày nêu rõ bối cảnh của giáo dục vì sự phát triển bền vững; các hoạt động nghiên cứu về vai trò của giáo dục trong các mục tiêu phát triển bền vững; chính sách quốc gia về giáo dục vì sự phát triển bền vững tại Việt Nam; kế hoạch hành động của Bộ GD&ĐT và định hướng tăng cường tích hợp nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, trong 2 ngày hội thảo, các đại biểu tham dự đã được nghe các báo cáo tham luận của các nhà khoa học, các tổ chức quốc tế  chia sẻ các mô hình tốt, các sáng kiến về triển khai thực hiện ESD:

1. Giáo dục vì sự phát triển bền vững toàn cầu và triển khai Chương trình hành động toàn cầu về Giáo dục vì sự phát triển bền vững do Bà Miriam Tereick, đại diện UNESCO trình bày.

2.  Giáo dục vì sự phát triển bền vững – một quá trình học hỏi mang tính hợp tác và đa ngành do bà Eva Friman, Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc tế về phát triển bền vững Thụy Điển (SWEDESD) trình bày.

3.  Hợp tác giữa các ngành, các cấp và các lĩnh vực xã hội để giải quyết những thách thức cấp thiết trong khu vực về phát triển bền vững do Giáo sư Neil Powell, Trung tâm Giáo dục quốc tế về phát triển bền vững Thụy Điển trình bày.

4.   Xây dựng và triển khai chính sách Giáo dục vì sự phát triển bền vững tại khu vực Trung Mĩ do bà Astrid Hollander, đại diện Tổ chức UNESCO Costa Rica trình bày.

5. Thúc đẩy sáng tạo trong giáo dục do PGS. David Kronlid, Trưởng nhóm nghiên cứu, Trung tâm Giáo dục quốc tế về phát triển bền vững Thụy Điển trình bày.

6.  Tư duy lại về chương trình giảng dạy do bà Yoko Mochizuki, đại diện tổ chức UNESCO MGIEP trình bày.

7.  Lộ trình xây dựng kế hoạch hành động quốc gia – quy trình tham gia đa bên. Kinh nghiệm từ Đức do bà Bianca Bilgram, Ủy ban quốc gia UNESCO Đức trình bày.

Bên cạnh các báo cáo tham luận là các hoạt động thảo luận nhóm xoay quanh ba câu hỏi: “Những thay đổi cần thiết trong môi trường quản trị/chính sách quốc gia và trong bản chất của hợp tác khu vực để có thể triển khai giáo dục vì sự phát triển bền vững một cách hệ thống và đa ngành?” (What?); “Làm thế nào để thúc đẩy các đổi mới đa chiều trong giáo dục vì sự phát triển bền vững để thích ứng với bối cảnh đa dạng trong khu vực” (How?). “Ai, tổ chức nào sẽ tham gia vào việc thực hiện?” (Who?). Những trao đổi, thảo luận trong Hội thảo đã đạt được những mục tiêu cơ bản nhằm vận động chính sách và thúc đẩy các hành động giáo dục về phát triển bền vững tại các quốc gia thuộc khu vực Mê Kông; bước đầu thiết lập một cộng đồng cùng hành động hướng tới tạo dựng sự đồng vận trong khu vực; đồng thời đẩy mạnh sự hợp tác giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các bộ liên quan sử dụng cách tiếp cận đa bên và phối hợp giữa các ngành khác nhau.

  PGS.TS. Lê Trọng Hùng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường – Bộ Giáo dục và Đào tạo 

 

 Đại diện các quốc gia khu vực Mê Kông tham dự Hội thảo

 Ông Toshiyuki Matsumoto, chuyên gia Chương trình giáo dục, Văn phòng Unesco Hà Nội

  Giáo sư Neil Powell, Trung tâm Giáo dục quốc tế về phát triển bền vững Thụy Điển
 
 
Bà Astrid Hollander, đại diện Tổ chức UNESCO Costa Rica

 Một số hình ảnh tại các phiên thảo luận nhóm:

 

  

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 Các đại biểu tham dự Hội thảo chụp ảnh lưu niệm