Ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (KĐCL), Bộ GD-ĐT cho biết: dự thảo này ra đời sau khi Bộ có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp giai đoạn 2011 - 2020.
Theo Đề án này, đến đến hết năm 2012, có ít nhất 3 tổ chức KĐCL giáo dục của Nhà nước được thành lập và đi vào hoạt động. Giai đoạn 2016-2020, cho phép các tổ chức, cá nhân thành lập các tổ chức KĐCL giáo dục.
Theo dự thảo, các tổ chức KĐCL giáo dục sẽ do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thành lập hoặc cho phép thành lập. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục có tư cách pháp nhân, có tên riêng, tài khoản và con dấu riêng, có trụ sở giao dịch ổn định. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nộp hồ sơ cho Bộ GD-ĐT.
Ở Hoa Kỳ, tất cả các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đều không thuộc Nhà nước. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của các nước trong khu vực đi vào hoạt động trong 20 năm gần đây đều do Nhà nước thành lập.
Ông Phạm Xuân Thanh cho biết số lượng những người làm trong ngành giáo dục được đào tạo chính quy về kiểm định chất lượng ở nước ngoài đếm trên đầu ngón tay. Đến năm 2002, cả nước mới có khoảng 12 người được đào tạo bậc thạc sĩ về đo lường và đánh giá ở nước ngoài. Đến nay, con số này có thể tăng lên nhưng so với nhu cầu sắp tới thì còn thiếu trầm trọng.
Viện đảm bảo chất lượng giáo dục (thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng có đào tạo thạc sĩ chuyên ngành đo lường và đánh giá trong giáo dục, nhưng cho tới nay cũng mới có khoảng 2 khoá tốt nghiệp.
Được biết, mục tiêu Bộ GD-ĐT đề ra trong các năm 2013-2020 là mỗi năm đào tạo 200 chuyên gia đánh giá ngoài.
Tú Uyên -Vietnamnet