Hội thảo “Công nghệ trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt”

11/03/2022 23:55 GMT+7
Sáng ngày 11/03/2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp UNICEF Việt Nam tổ chức “Công nghệ trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt” nhằm công bố các kết quả của dự án Reimagine Education 2021.

Tham dự hội thảo có dự của GS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đại diện của UNICEF Việt Nam, các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và kết quả nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong giáo dục.
  
Mở đầu hội thảo là phiên thảo luận “Công nghệ trong giáo dục đặc biệt” do GS. Phạm Linh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều hành. PGS. TS. Nguyễn Đức Minh, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam mở đầu phiên với bài trình bày về “Những vấn đề và giải pháp giáo dục cho Người khuyết tật trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Ông đã đánh giá những tác động tích cực của cuộc cách mạng 4.0 đến giáo dục, đó là: trường học thông minh, phần mềm giáo dục và phương pháp đổi mới. Người khuyết tật cũng được hưởng lợi từ công nghệ thông tin qua việc tiếp cận thông tin dêc dàng hơn, tự chăm lo cho bản thân nhờ các ứng dụng công nghệ… Tuy nhiên họ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong thời đại này khi số lượng người khuyết tật được tiếp cận với công nghệ và hạ tầng kĩ thuật hiện đại còn rất ít, các phương tiện và phần mềm công nghệ chưa phù hợp với người khuyết tật… Từ đó, ông đã đưa ra các giải pháp đồng bộ về chính sách, chương trình quốc gia, huy động nguồn lực cá nhân, tổ chức và tuyên truyền đối với toàn xã hội để giúp người khuyết tật có có hội nâng cao nhận thức, kiến thức về công nghệ và đảm bảo công bằng trong giáo dục.
  

Nội dung trình bày của Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh
  
Tiếp theo, TS. Shiw Shin Yeen, Hiệp hội Phản hồi thần kinh Malaysia trình bày về “Sử dụng Công nghệ phản hồi thần kinh trong can thiệp, trị liệu trẻ rối loạn phát triển”. Với những phân tích về bộ não; “tính dẻo của thần kinh” (neuroplasticity) – khả năng thay đổi hình dạng và cấu trúc của thần kinh khi chúng ta thay đổi về hành vi và cảm xúc; những vòng lặp và phản hồi thần kinh (neurofeedback), những vấn đề não bộ liên quan đến chứng khó học, khả năng ghi nhớ… Từ đó, bà đưa tới kết luận về trí nhớ, trí tuệ, những lợi ích của phản hồi thần kinh đối với trẻ tăng động giảm chú ý, trẻ tự kỉ. TS Shiw Shin Yeen khuyến nghị cần sử dụng kết hợp nhiều công nghệ hiện đại trong can thiệp, trị liệu trẻ rối loạn phát triển sẽ giúp làm giảm các triệu chứng rối loạn thần kinh ở trẻ, như: chứng lo âu, rối loạn stress sau sang chấn, sa sút trí tuệ…
  

Cách tiếp cận khái niệm “neuroplasticity” của TS. Shiw Shin Yeen
  
“Ứng dụng phần mềm thực tế ảo VRrapeutic nhằm nâng cao kĩ năng nhận thức cho trẻ tăng động giảm chú ý từ 6 đến 12 tuổi ở Việt Nam” là chuyên đề do ThS. Nguyễn Trọng Dần, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. ThS. Nguyễn Trọng Dần giới thiệu tổng quan về công nghệ thực tế ảo, phần mềm VRapeutic phiên bản tiếng Việt và những nghiên cứu sử dụng VRapeutic tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu hiện tại cho thấy phần mềm thực tế ảo VRrapeutic có tác động tốt tới nhóm trẻ tăng động giảm chú ý. Ông hi vọng mô hình được mở rộng, kết hợp thêm các trị liệu truyền thống và có thể được sử dụng với những đối tượng ngoài trẻ tăng động giảm chú ý.
  
Cuối phiên làm việc, “Dự án Chiến lược Giáo dục hòa nhập để dạy học An toàn và Sức khỏe ở nơi làm việc” (INKLUDO) được bà Juan Camilo Lesmez Peralta, Julieth Katherin Acosta Medina và Maira Camila Paba Medina, đại diện trường đại học Công Nghiệp De Santander, Colombia trình bày. Nhóm tác giả cho rằng giáo dục hòa nhập phải dựa trên việc xây dựng một xã hội khoan dung hơn và tôn trọng sự khác biệt, công nhận giáo dục là quyền của tất cả mọi người bằng cách cung cấp kiến thức, kĩ năng cho người khuyết tật trước khi họ bước vào môi trường làm việc. Bên cạnh đó, việc thay đổi cách dạy và học sao cho người học có thể tham gia một cách chủ động và tích cực cũng là một phương pháp để mang bình đẳng giáo dục đến với tất cả mọi người, kể cả người khuyết tật. Để đạt được mục tiêu tạo ra một nền giáo dục bình đẳng dựa trên nhu cầu người học, nhóm tác giả đưa ra chiến lược giáo dục gồm các bước: chỉ dẫn từng bước, minh họa ấn tượng, lặp đi lặp lại, phản hồi.
  

Số liệu thống kê về người khuyết tật ở Colombia
  
Phiên thảo luận bàn tròn với chủ đề “Sức mạnh của công nghệ trong hỗ trợ người khuyết tật do PGS. TS. Nguyễn Đức Minh điều hành đã được các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế thảo luận sôi nổi.
 

Các đại biểu tham gia phiên thảo luận
 
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS. TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo duc Việt Nam cảm ơn các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế đã chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn, kết quả nghiên cứu về thực trạng của việc áp dụng công nghệ trong giáo dục, đề xuất giải pháp và tầm nhìn về sự ảnh hưởng của công nghệ đối với giáo dục trong thời gian tới. Các nội dung về đổi mới cách thức giáo dục, tiếp cận công nghệ tiên tiến rõ ràng mang tới những lợi ích to lớn cho người khuyết tật. Để tận dụng hết sức mạnh của công nghệ trong giáo dục nói chung và giáo dục người khuyết tật nói riêng, chúng ta cần sự chung tay của cả cộng đồng trong nhận thức và hành động, hướng tới một nền giáo dục công bằng cho tất cả mọi người.
  
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam