Mục tiêu của đề tài: Nghiên cứu đề xuất các giải pháp ngăn ngừa các hành vi bạo lực trong học sinh phổ thông trung học.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU CỦA ĐỀ TÀI
1/ Về lý luận
- Đề tài đã đưa ra một số khái niệm có liên quan, bao gồm: bắt nạt và hành vị bắt nạt, đánh nhau và hành vi đánh nhau, bạo lực và hành vi bạo lực, bạo lực học đường và hành vi bạo lực học đường, bạo lực gia đình, bạo hành gia đình;
- Xác định bản chất của hành vi bạo lực học đường, nguyên nhân của hành vi bạo lực và hậu quả của nó;
- Tổng quan bạo lực học đường ở một số nước trên thế giới (gồm: Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc) và đưa ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
2/ Về thực tiễn
Nhóm đề tài đã tiến hành điều tra, khảo sát hơn 200 giáo viên, hơn 500 học sinh và 30 đại diện cộng đồng của các trường trung học phổ thông tại bốn tỉnh, kết quả cho thấy:
- Thực trạng nhận thức của cá bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cộng đồng về quan niệm, hậu quả của bạo lực học đường, về trách nhiệm của các bên trong việc tham gia phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường;
- Thực trạng của các hành vi bạo lực học đường ở học sinh các trường trung học phổ thông và nguyên nhân của thực trạng trên;
- Thực trạng các biện pháp nhà trường đã tiến hành để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
3/ Khuyến nghị
3.1. Đối với ngành giáo dục
Về phía nhà trường:
- Cần có thái độ kiên quyết, phê phán công khai và xử lý nghiêm khắc với hành vi đánh nhau của học sinh;
- Xây dựng và tổ chức thực hiện tốt quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường, đẩy mạnh việc giáo dục kỹ năng sống, văn hóa truyền thống cho học sinh;
- Đổi mới phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh cả ở trong chương trình chính khóa và hoạt động ngoại khóa;
- Mỗi trường cần thành lập “Đội An ninh học đường” dưới sự chị đạo của Hiệu trưởng và sự phối hợp của công an và chính quyền địa phương thường xuyên để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết mâu thuẫn và ngăn chặn hiệu quả hành vi bạo lực.
Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương:
- Tiếp tục chỉ đạo nhà trường thực hiện tốt các cuộc vận động, đồng thời đẩy mạnh việc đưa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh tích hợp trong các môn học chính khóa và hoạt động ngoại khóa;
- Phối hợp chặt chẽ với ngành Công an thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự trường học;
- Chỉ đạo nhân rộng mô hình Phòng tư vấn tâm lý cho học sinh trong nhà trường;
- Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng các nhà trường theo hướng nhấn mạnh thêm tiêu chí trường học đảm bảo an toàn, không có tội phạm, bạo lực và tệ nạn xã hội.
3.2. Đối với chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan hữu quan, tổ chức đoàn thể:
Về phía chính quyền địa phương:
- Thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn hành vi bạo lực;
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho thanh thiếu niên và học sinh;
- Đẩy mạnh công tác quản lý, giáo dục thanh thiếu niên trên đại bàn.
Về phía cơ quan hữu quan:
- Đẩy mạnh công tác quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa;
- Kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm, các hành vi bạo lực ngoài xã hội;
- Các cơ quan báo chí, truyền thông cần thường xuyên có bài viết tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt.
Về phía các tổ chức đoàn thể:
- Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các tổ chức đoàn thể cần tăng cường vai trò mạnh mẽ trong giáo dục, định hướng lối sống lành mạnh cho thanh thiếu niên, học sinh;
- Có hình thức quan tâm cụ thể để quan tâm, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để các em tránh được ảnh hưởng về tâm lý, dễ gây hành vi bộc phát.
Đối với gia đình học sinh:
- Cần phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con cái;
- Luôn quan tâm chăm sóc, động viên con em kịp thời.