Chi bộ Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học về thăm Bạch Đằng Giang – Nơi hội tụ khí thiêng sông núi

05/09/2023 16:35 GMT+7
Thực hiện Chương trình, Kế hoạch công tác đảng năm 2023 của Chi bộ, với mục đích ôn lại truyền thống yêu nước, tinh thần và ý chí quyết bảo vệ chủ quyền của dân tộc và là dịp học tập, nâng cao tư tưởng, nhận thức cho các đảng viên, cán bộ sáng ngày 19 tháng 8 năm 2023, Chi bộ Chi bộ Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học đã tổ chức hoạt động về nguồn thăm Bạch Đằng Giang. Khu di tích này tọa lạc tại thôn Tràng Kênh, thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng. Hành trình ý nghĩa này đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các đảng viên và cán bộ Trung tâm.


Đảng viên, cán bộ trung tâm tham quan Khu di tích Bạch Đằng Giang
  
Cửa khẩu Bạch Đằng là địa danh lịch sử lâu đời đồng thời cũng là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng với ba trận thủy chiến chống quân xâm lược trong lịch sử nước ta. Những trận chiến đó gắn liền với tên tuổi các bậc hào kiệt như: Vua Lê Đại Hành, Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn và Đức Vương Ngô Quyền – những người anh hùng dân tộc đã lãnh đạo quân Việt Nam đánh bại quân Trung Quốc xâm lược. Trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, Ngô Quyền (năm 938) đã phá tan quân Nam Hán và bắt sống thái tử Hoằng Thao, Lê Đại Hành (năm 981) đã đánh quân Tống giết tướng Hồ Nhân Bảo, Trần Hưng Đạo (năm 1288) đại thắng quân Nguyên, bắt được các tướng Ô Mã Nhi, Phan Tiệp, Tích Lệ… Cả balần quân ta đều dùng trận địa cọc để tiêu diệt kẻ thù, bắt sống giặc, khiến quân thù Nam Hán, quân Đại Tống, quân Nguyên Mông khiếp sợ. Âm hưởng của những chiến công này đã vang vọng trong rất nhiều ángthi ca bất hủ:
 
         “Sông Đằng một dải dài ghê,
         Luồng to sóng lớn dồn về bể Đông.
         Những người bất nghĩa tiêu vong,
         Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh.”
                  (Phú sông Bạch Đằng - Trương Hán Siêu)
  
         "Biển rung, gió bấc thổi băng băng,
         Nhẹ cất buồm thơ lướt Bạch Ðằng.
         Kình ngạc băm vằm non mấy khúc,
         Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng.
         Quan hà hiểm yếu trời kia đặt,
         Hào kiệt công danh đất ấy từng.
         Việc cũ quay đầu, ôi đã vắng,
         Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng."
                  (Bạch Đẳng Hải Khẩu - Nguyễn Trãi)
 

Đảng viên, cán bộ trung tâm tại quảng trường Chiến Thắng – Dưới chân tượng đài ba vị anh hùng dân tộc đã lập chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng
  
Tại Khu di tích Bạch Đằng Giang và nhà bảo tàng, các đồng chí đảng viên và cán bộ Chi bộ Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học đã được trải nghiệm lịch sử thông qua quan sát những hiện vật, công trình tái hiện lịch sử và đặc biệt là lắng nghe, trao đổi với hướng dẫn viên của khu di tích về lịch sử anh hùng của cha ông trên dòng sông Bạch Đằng và suốt chiều dài lịch sử kháng chiến chống giặc ngoại xâm oanh liệt của dân tộc. Đoàn cũng trao đổi thảo luận về trách nhiệm của mỗi đảng viên, cán bộ trong việc giữ gìn và phát huy độc lập chủ quyền của đất nước. Hiện nay, cọc Bạch Đằng Giang còn được lưu giữ nguyên trạng, cùng với đó là các di tích khảo cổ đồ gốm thời nhà Lê, nhà Trần cũng được trưng bày tại Bảo tàng thuộc quần thể của khu di tích. Đoàn cũng đã viếng thăm đền thờ và và dâng hương tưởng nhớ công ơn những vị anh hùng vĩ đại có công lớn với Tổ quốc.
  
Qua chuyến về nguồn, các đảng viên, cán bộ đều nhận thấy đây là hành trình có ý nghĩa và thiết thực.Thông qua hành trình này, đảng viên, cán bộ Chi bộ Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học được hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường ở mỗi lĩnh vực trongcông việc cũng như cuộc sống của mình, góp phần xây dựng chi bộ và đơn vị ngày càng phát triển hơn.
  
Tin và ảnh: Chi bộ Trung tâm nghiên cứu Giáo dục Đại học