GS.TS. Trần Công Phong phát biểu cảm tưởng tại lễ trao tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho TS. Ketherine Muller-Marin

10/08/2017 16:55 GMT+7
Toàn văn bài Phát biểu cảm tưởng của GS.TS. Trần Công Phong - Viện trưởng Viện KHGD VN tại lễ trao tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho TS. Ketherine Muller-Marin - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam

 PHÁT BIỂU CẢM TƯỞNG TẠI LỄ TRAO TẶNG KỈ NIỆM CHƯƠNG “VÌ SỰ NGHIỆP GIÁO DỤC” CHO TS. KATHERINE MULLER-MARIN, TRƯỞNG ĐẠI DIỆN VĂN PHÒNG UNESCO TẠI VIỆT NAM
(Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2015)


     Kính thưa TS. Ketherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam!
     Kính thưa Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển!
     Kính thưa các vị đại biểu cùng quý vị khách quý!
     Hôm nay, tôi rất vinh hạnh được thay mặt Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Viện KHGDVN) tham dự và phát biểu cảm tưởng tại buổi lễ trao tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho TS. Ketherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam. Trước tiên, tôi xin kính chúc TS. Ketherine, quý vị khách quý cùng toàn thể đại biểu tham dự buổi lễ sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc buổi lễ thành công tốt đẹp.
     Kính thưa các quý vị!
     Là đơn vị nghiên cứu khoa học giáo dục trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua, Viện KHGDVN đã có nhiều hoạt động hợp tác với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam về công tác nghiên cứu khoa học giáo dục. Những hoạt động hợp tác nghiên cứu mà Viện KHGDVN đã và đang phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam thực hiện đều dựa trên và xuất phát từ chính những nhu cầu thực tiễn về nghiên cứu, phát triển và hoạch định chính sách trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, vì vậy những hoạt động hợp tác này luôn bám sát những đòi hỏi của thực tế và mang lại những lợi ích thiết thực cho địa phương cũng như các nhà lập chính sách, nhà nghiên cứu và ngành giáo dục. Chẳng hạn như:
     Chúng tôi đã và đang phối hợp thực hiện các nghiên cứu về thúc đẩy học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập tại Việt Nam thông qua việc xây dựng tài liệu hướng dẫn giám sát, đánh giá kết quả xây dựng Xã hội học tập cấp xã và thực hiện đánh giá kết quả xây dựng Xã hội học tập cấp xã trong việc góp phần xây dựng nông thôn mới. Vì xã hội học tập là điều vô cùng quan trọng, về lâu dài sẽ đem đến những lợi ích lớn, góp phần đáng kể vào sự phát triển đất nước. Xã hội học tập giúp người dân có được nhiều cơ hội hơn để tự giáo dục bản thân, nhiều cơ hội hơn để hoàn thiện mình, mà điều quan trọng nhất là có thể dùng kiến thức để tạo ra kiến thức, đem đến tầm nhìn tương lai. Từ những hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực, chúng tôi có thể khẳng định Văn phòng UNESCO tại Việt Nam và cá nhân TS. Katherine chính là những người đi tiên phong và có những đóng góp vô cùng to lớn khi lần đầu tiên đã cùng với các chuyên gia và đối tác của Việt Nam phác thảo được một khung lý thuyết về xã hội học tập phù hợp với bối cảnh Việt Nam, cũng như mở đường cho các thảo luận rộng rãi ở cả cấp quốc gia và địa phương về các con đường, giải pháp thực hiện xây dựng xã hội học tập hiện tại và trong dài hạn. Bản thân TS. Katherine với tư cách là Trưởng Đại diện của Văn phòng đã và đang lên kế hoạch 5 năm tới hỗ trợ mục tiêu xã hội học tập này. UNESCO cam kết hỗ trợ quá trình trong đó từng người đều tạo ra cơ hội để mọi nền văn hóa, giáo dục và tất cả các lĩnh vực khác đều phát triển. UNESCO cũng sẽ cung cấp những phân tích so sánh, cung cấp cái nhìn tổng quan về chính sách và hỗ trợ để chuẩn bị cho kế hoạch hành động ở cả cấp độ quốc gia và cấp độ cộng đồng.

     Bên cạnh đó, Văn phòng UNESCO cũng có những chương trình hợp tác nghiên cứu với chúng tôi để tăng cường công tác can thiệp sớm và giáo dục hòa nhập cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Giáo dục hoà nhập là cơ hội để mọi trẻ em, trong đó đặc biệt chú trọng trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục có chất lượng. Giáo dục hoà nhập với việc điều chỉnh chương trình, đổi mới phương pháp dạy học, tạo điều kiện cho mọi trẻ em với những nhu cầu và năng lực khác nhau đều có thể học tập hiệu quả. Giáo dục hoà nhập phù hợp với xu thế chung của thế giới, là định hướng của UNESCO, trong phát triển giáo dục của thế kỉ 21. Bốn mục tiêu đào tạo con người được UNESCO đề xuất là: Học để làm người, Học để biết, Học để làm, Học để cùng chung sống. Điều này cũng rất phù hợp với mục tiêu dạy chữ, dạy nghề, dạy người xuyên suốt của hệ thống giáo dục Việt Nam. Qua những hoạt động hợp tác nghiên cứu với UNESCO trong lĩnh vực này, chúng tôi đã tiếp cận, thử nghiệm và triển khai phương thức giáo dục hòa nhập trên toàn quốc. Hơn 2 thập kỉ trôi qua, giáo dục hòa nhập đã khẳng định được tính hiệu quả và khả thi của phương thức này. Những thành tựu của giáo dục hòa nhập không chỉ là những con số về số lượng trẻ khuyết tật và trẻ có hoàn cảnh khó khăn được đi học tăng nhanh, đội ngũ cán bộ giáo viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn; mà còn là sự chuyển biến về nhận thức xã hội. Cộng đồng đã có những quan điểm đúng đắn hơn về quyền được giáo dục và được hưởng nền giáo dục có chất lượng của tất cả trẻ em.

     Mới đây nhất, chúng tôi đang phối hợp triển khai nghiên cứu phục vụ cho Phân tích ngành giáo dục năm 2015 nhằm mục đích đánh giá thực trạng dạy và học theo định hướng phát triển năng lực người học ở nhà trường phổ thông, trong đó tập trung vào một số năng lực như tự học, hợp tác, sáng tạo. Đây là vấn đề đang được quan tâm ở nhiều nước trến thế giới cũng như ở Việt Nam. Nghiên cứu này ngoài việc góp phần đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục, sẽ giúp cung cấp cơ sở lí luận và thực tiễn cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông mà ngành giáo dục đang tiến hành.
     Một điều có thể thấy rằng, từ tất cả các hoạt động hợp tác nghiên cứu với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam nêu trên, chúng tôi đã có cơ hội được làm việc và tiếp xúc trực tiếp với TS. Katherine để được cảm nhận Bà là một người phụ nữ có tâm, tầm và tài, một nhà sư phạm nhiệt huyết với phương pháp làm việc tuyệt vời và có khả năng truyền cảm hứng cho tất cả mọi người. Đặc biệt, hình ảnh Bà duyên dáng, lịch thiệp trong chiếc áo dài truyền thống của Việt Nam ở mọi nơi, mọi lúc với nụ cười thân thiện là một hình ảnh đẹp không thể phai mờ trong tâm trí, tình cảm của tất cả chúng ta. Bà còn có một tình yêu sâu sắc với đất nước và con người Việt Nam, Bà hiểu rõ nền giáo dục Việt Nam và vận dụng tài tình những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xác định “Giáo dục là chìa khóa xóa bỏ nghèo đói và đạt tới sự phát triển và thịnh vượng quốc gia” và “Mục tiêu cuối cùng của việc học là trở thành con người đúng với nghĩa của từ này” để làm kim chỉ nam cho các hoạt động vì mục tiêu phát triển nền giáo dục Việt Nam.
     Cuối cùng, cho phép tôi đại diện Viện KHGDVN khẳng định những đóng góp của TS. Katherine đối với ngành giáo dục Việt Nam thật sự đáng tôn trọng và tôn vinh. Viện KHGDVN hy vọng rằng trong thời gian tới, dù ở bất kỳ ở cương vị công tác nào, TS. Katherine Muller Marin sẽ tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp phát triển giáo dục, “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” tại Việt Nam nói chung và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học giáo dục của Viện KHGDVN nói riêng.
     Xin trân trọng cảm ơn!
 


PHỤ LỤC 1
DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU HỢP TÁC VỚI VĂN PHÒNG UNESCO TẠI VIỆT NAM
(Giai đoạn 2013 – 2015)

Về giáo dục phổ thông
Phối hợp triển khai nghiên cứu phục vụ cho Phân tích ngành giáo dục 2015.
Về giáo dục đặc biệt
“Nghiên cứu rà soát về đào tạo giáo viên cho giáo dục hòa nhập cấp tiểu học”; Đề tài “Can thiệp sớm trẻ khuyết tật dựa vào gia đìnhđạt giải thưởng về ý tưởng mới của UNESCO; Tổ chức nghiên cứu điển hình về một trường giáo dục hòa nhập ở Việt Nam;
Về giáo dục không chính quy
Phối hợp biên soạn tài liệu:Xây dựng tài liệu hướng dẫn giám sát, đánh giá kết quả xây dựng Xã hội học tập cấp xã”; Thực hiện “Đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập cấp xã trong việc góp phần xây dựng nông thôn mới”;
Một số lĩnh vực khác
Tập huấn cho cán bộ nghiên cứu và tham gia vào mạng lưới kiểm định chất lượng giáo dục khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (NEQMAP);
Phối hợp tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế về “Phát triển các năng lực tổng hợp cho học sinh: Từ chính sách đến thực tiễn”; “Đào tạo nhân lực trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế”; Giáo dục cho khu vực nông thôn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế”; …
Hỗ trợ nâng cao năng lực cho đội ngũ chuyên gia, nghiên cứu viên của Viện KHGDVN thông qua các cơ hội tham gia hội thảo, tập huấn, sự kiện truyền thông, triển lãm, hợp tác nghiên cứu, ... để cập nhật thông tin, nắm bắt những kinh nghiệm, xu thế phát triển giáo dục của thế giới, hay nắm bắt các phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu mới, ...