Thẩm định bộ tài liệu Đề án "Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các trường học hai nước"

30/11/2023 15:02 GMT+7
Trong 03 ngày 27 – 29/11/2023, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam kết hợp Viện Nghiên cứu Khoa học giáo dục Lào tổ chức thẩm định bộ tài liệu bằng tiếng Lào của Đề án "Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các trường học hai nước".

Thực hiện Thông báo số 191-TB/TW ngày 30/12/2014 của Bộ Chính trị; Công văn số 37/TTg-QHQT ngày 24/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Công văn số 38/TTg-QHQT ngày 27/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Thỏa thuận cấp cao Việt Nam - Lào và kết quả Kỳ họp 37 UBLCP Việt Nam – Lào năm 2015; ngày 08 tháng 02 năm 2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao Nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào đã kí kết biên bản ghi nhớ triển khai nghiên cứu đưa nội dung các sản phẩm công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục của hai nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) giao cho Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Viện KHGDVN) chủ trì thực hiện Đề án "Đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt hai nước Việt Nam - Lào vào giảng dạy tại các trường học hai nước".
  
Trong năm 2022, bộ sản phẩm của Đề án đã được hoàn thiện và được các chuyên gia của Viện KHGDVN thẩm định. Nhận lời mời của GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGDVN, đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu Khoa học Giáo dục Lào do PGS Anoulom Vilayphone, Viện trưởng Viện Nghiên cứu KHGD Lào, làm trưởng đoàn đã sang thăm Viện KHGDVN và phối hợp cùng các chuyên gia của Viện KHGDVN thẩm định bộ sản phẩm của Đề án.
  
 Tại buổi thẩm định, GS Lê Anh Vinh đánh giá cao sự phối hợp của Viện Nghiên cứu KHGD Lào trong việc xây dựng bộ sản phẩm, thực hiện theo Thông báo của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT. Viện trưởng Lê Anh Vinh nhận định đây là một công trình công phu có giá trị lịch sử to lớn, đòi hỏi sự tập trung, vào cuộc của nhiều chuyên gia cả hai quốc gia, hai đơn vị. Trong thời gian tới, hai nước dự kiến tích hợp bộ sản phẩm vào chương trình giảng dạy tại nhà trường thông qua các môn: lịch sử và địa lý tiếng Việt, ngữ văn, hoạt động trải nghiệm và chương trình giáo dục địa phương. Điều này sẽ được cân nhắc, đánh giá cẩn thận nhằm phù hợp với nhu cầu của từng địa phương, từng khu vực. GS Lê Anh Vinh đề nghị Hội đồng thẩm định sẽ tiến hành thẩm định lần lượt từng bộ sản phẩm đảm bảo tính khoa học, chính xác về chuyên môn bên cạnh đó các chuyên gia thảo luận, góp ý về sự thích hợp, cũng như phương pháp đưa bộ sản phẩm vào sử dụng và tích hợp trong chương trình giảng dạy tại Lào cũng như chuẩn bị cho các hoạt động hợp tác giai đoạn tiếp theo.
  
Hội đồng thẩm định dưới sự chủ trì của GS Lê Anh Vinh và PGS Anoulom Vilayphone đã tiến hành thẩm định các bộ sản phẩm, bao gồm:
  
1. Tuyển tập và hướng dẫn sử dụng Hồi kí của các nhà lãnh đạo, cán bộ, chuyên gia, cựu chiến binh Việt Nam, Lào.
2. Một số chuyên đề về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam dùng cho bậc Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tại các trường học của Việt Nam và Lào.
3. Tài liệu Hướng dẫn dạy học một số chuyên đề trải nghiệm về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam dùng cho bậc Đại học, Cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tại các trường học của Việt Nam và Lào.
4. Tài liệu Hướng dẫn tích hợp lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam –Lào, Lào – Việt Nam vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam – cấp Tiểu học.
5. Tài liệu Hướng dẫn tích hợp lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam –Lào, Lào – Việt Nam vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam – cấp THCS.
6. Tài liệu Hướng dẫn tích hợp lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam –Lào, Lào – Việt Nam vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông của Việt Nam – cấp THPT.
7. Tài liệu Hỏi – Đáp về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam dùng cho bậc Đại học, Cao đẳng tại các trường học của Việt Nam và Lào.
8. Tuyển tập ảnh về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007).
9. Bộ truyện tranh về tình hữu nghị Việt Lào.
10. Tài liệu Hướng dẫn đưa nội dung các sản phẩm của công trình lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam vào nội dung giáo dục địa phương.
  
PGS Anoulom nhận định bộ sản phẩm đã thể hiện rõ nét tình hữu nghị, mối quan hệ bền chặt giữa hai dân tộc. Qua đó giúp học sinh, sinh viên hai nước sẽ hiểu biết hơn về tình hữu nghị thuỷ chung son sắt giữa hai nước Việt – Lào. Tình hữu nghị trong sáng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Xu-pha-nu-vông, Chủ tịch Kay-xỏn Phôm-vị-hản cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện qua nhiều thử thách và được hun đúc bằng công sức và xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sỹ, để trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc. Các chuyên gia sẽ cùng thẩm định nhằm đảm bảo bộ sản phẩm phù hợp với chương trình giảng dạy của cả hai nước tại nhiều địa phương có điều kiện lịch sử, hoàn cảnh khác nhau.
  
Hoạt động thẩm định các sản phẩm của đề án đã thành công tốt đẹp với sự thống nhất cao của các chuyên gia từ phía nước bạn Lào; các ý kiến góp ý hoàn thiện bộ sản phẩm sẽ được các tác giả tiếp thu và chỉnh sửa trong thời gian tới.
  
Một số hình ảnh tại buổi thẩm định:
  

GS Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc phiên thẩm định
  
TS. Lê Thị Sông Hương, Viện KHGDVN, báo cáo với Hội đồng bộ sản phẩm của Đề án
  
GS Lê Anh Vinh và PGS Anoulom Vilayphone chủ trì phiên thẩm định cùng đại biểu hai bên trao đổi ý kiến
  
PGS Trần Thị Thu Hương, Nguyên Phó Viện trưởng Lịch sử Đảng, phát biểu tại buổi thẩm định
  
PGS Anoulom Vilayphone điều hành buổi làm việc
  
Hội đồng thẩm định chụp ảnh lưu niệm
 
Tin bài và ảnh: Phòng QLKH, ĐT&HTQT