Seminar khoa học dành cho cán bộ quản lý và giáo viên tại STEAM for girls 2024

07/10/2024 10:20 GMT+7
Sau lễ khai mạc vào sáng ngày 30/9/2024, các giáo viên dẫn đoàn của 23 đội thi (bao gồm 19 đội đến từ Việt Nam và 4 đội đến từ nước ngoài: Lào, Thái Lan và Malaysia) đã tích cực hỗ trợ nghiên cứu và trải nghiệm thực tế cho tất cả 69 bạn thí sinh nhằm giúp các trau dồi kiến thức thực tiễn. Bên cạnh đó, các giáo viên dẫn đoàn cũng đã có nhiều thời gian được tập huấn về các nội dung liên quan đến STEAM, STEM tại Việt Nam và nước ngoài; cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động STEM tại địa phương.

Các cán bộ quản lý/ giáo viên từ các địa phương trong và ngoài nước đã được tham gia một khóa seminar tập huấn về giáo dục STEM do VNIES tổ chức gồm 03 nội dung cơ bản: (1) Giáo dục STEAM ở Việt Nam – những cơ hội và thách thức trong thời gian tới; (2) Kinh nghiệm về Giáo dục STEAM tại một số nước trên thế giới; (3) Chia sẻ giáo dục STEAM tại các địa phương.
 

TS. Nguyễn Thị Thu Trang trình bày về giáo dục STEAM tại Việt Nam
  
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh là chuyên gia về giáo dục STEAM đã có bài trình bày chia sẻ về Giáo dục STEAM ở Việt Nam – những cơ hội và thách thức trong thời gian tới. Trong bài trình bày của mình, bà Trang đã bàn về Xu hướng nhân lực giảng dạy và phát triển chương trình giáo dục STEAM; Các nghiên cứu ứng dụng nổi bật về giáo dục STEAM; Các nghiên cứu mới nhất liên quan đến giáo dục STEAM tại TP. Hồ Chí Minh; Những hạn chế, thách thức, đề xuất trong quá trình thiết kế và triển khai chương trình giáo dục STEAM; Một số xu hướng mới trong tiếp cận, tìm hiểu và triển khai giáo dục STEAM trên thế giới.
 

Cô giáo Bích Anh, Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng trình bày tham luận Nâng cao chất lượng giáo dục STEM trong Chương trình Giáo dục Phổ thông 2018
  
Về phía địa phương, rất nhiều bài học thực tiễn điển hình từ cấp Sở, cấp phòng và tại các cơ sở giáo dục đã được chia sẻ cởi mở tại khóa tập huấn. Nhiều Sở giáo dục và đào tạo đã tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên nhằm nâng cao năng lực thiết kế, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả giáo dục STEM trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trên địa bàn tỉnh các tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó, nhiều Sở, Phòng cũng chủ động tổ chức các buổi hội thảo trong lĩnh vực STEM nhằm chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, phương pháp giảng dạy tích hợp STEM; Tổ chức các cuộc thi như thiết kế sản phẩm, lập trình, hay các thử thách khoa học để khuyến khích học sinh tham gia; Xây dựng phòng thí nghiệm và không gian sáng tạo tại trường học để học sinh có thể thực hành và thử nghiệm; Thành lập các Câu lạc bộ STEM, nơi học sinh có thể tự do khám phá và thực hiện các dự án cá nhân. Nhiều địa phương đã thực hiện đa dạng về hình thức tổ chức STEM, gắn liền với thực tiễn đời sống, giúp học sinh trải nghiệm và tạo ra sản phẩm, đề cao sản phẩm thực tiễn của quá trình học tập. Bên cạnh đó cũng còn có nhiều khó khăn trong quá trình triển khai như thiếu nhân lực có trình độ để thực hiện giáo dục STEM; một số giáo viên đã lớn tuổi còn ngại đổi mới, sợ mất thời gian; Trình độ học sinh ở các trường trung học ở địa phương còn chưa đồng đều; Tâm lý nhiều học sinh và phụ huynh học sinh vẫn hướng đến học các môn văn hóa để chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông, không dành thời gian để tham gia hoạt động STEAM. Các cán bộ quản lý/ giáo viên ở các địa phương cũng đề xuất một số giải pháp (sáng kiến) thúc đẩy Giáo dục STEAM như đưa nhiệm vụ Giáo dục STEAM vào tiêu chí thi đua; tăng cường trao đổi, hướng dẫn trực tiếp (cầm tay chỉ việc) cho giáo viên; Có chế độ dành cho giáo viên hướng dẫn STEM như nâng lương trước thời hạn, xét đi học tập nâng cao trình độ, được xét tặng giấy khen, bằng khen…; tạo điều kiện về kinh phí thực hiện giáo dục STEAM.

Bà Phonesavanh Salinthavong chia sẻ về case study tại Lào
  
Tại buổi chia sẻ về chương trình giáo dục STEAM của nhóm giáo viên Malaysia, Lào đã trình bày những đột phá trong chương trình STEM tại đơn vị, được thiết kế và triển khai từ cấp trường học đến phạm vi quốc tế. Chương trình này không chỉ tạo ra những dự án khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học đầy sáng tạo mà còn đáp ứng trực tiếp nhu cầu của sinh viên. Mục tiêu cốt lõi là nâng cao nhận thức và sự đánh giá cao về vai trò quan trọng của STEM đối với sự tiến bộ xã hội, đồng thời phát triển giáo dục STEAM theo hướng nghiên cứu thực tế, hiệu quả. Thông qua đó, chương trình đào tạo ra thế hệ học sinh không chỉ sáng tạo và tư duy phản biện mà còn có khả năng cạnh tranh vượt trội trên đấu trường quốc gia và quốc tế. Bên cạnh đó, nhóm giáo viên Thái Lan đã chia sẻ về hành trình xây dựng và phát triển chương trình STEAM tại trường Wachirathamsatit, nơi học sinh được khuyến khích phát triển toàn diện, từ tư duy học thuật đến kỹ năng thực hành. Tại đây, các phương pháp giáo dục tiên tiến đã giúp học sinh không chỉ vượt trội về khả năng học tập mà còn về năng lực giải quyết vấn đề và ứng dụng thực tế. Đặc biệt, họ cũng giới thiệu cách đánh giá và phân loại học sinh thông qua các chương trình giáo dục STEAM, giúp phát hiện và bồi dưỡng những tài năng xuất sắc.
  
Cùng với những hoạt động tập huấn, Cán bộ quản lý/ giáo viên các địa phương còn có dịp cùng các em học sinh có một ngày đi tham quan trải nghiệm thông qua tour xe bus 2 tầng thăm quan các điểm tham quan nổi tiếng của thành phố Hồ Chí Minh, Học viện hàng không Vietjet, Trung tâm đổi mới sáng tạo Galaxy Innovation Hub, Triển lãm Đa giác quan Van Gogh và Monet… Tất cả những hoạt động tập huấn và tham quan này chắc chắn sẽ là những trải nghiệm khó quên đối với cán bộ quản lý/ giáo viên từ các địa phương và quốc tế.
  
Tin bài và ảnh: Phòng QLKH, ĐT&HTQT