Quy trình thiết kế dạy học trực tuyến

07/07/2021 09:59 GMT+7
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BGDĐT quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Đây là cơ sở giúp nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học, phát triển năng lực sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học, thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành giáo dục, đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục cho người học, tạo điều kiện để người học được học ở mọi nơi, mọi lúc. Liên quan đến hoạt động tổ chức dạy học, kết quả nghiên cứu của Phan Thị Bích Lợi (2021) trình bày về quy trình thiết kế dạy học trực tuyến cho khóa học trực tuyến hoàn toàn cũng như khóa học kết hợp giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến (hay còn gọi là Blended learning).

Trên thế giới và ở Việt Nam, có nhiều quan niệm và thuật ngữ khác nhau liên quan đến khái niệm dạy học trực tuyến (DHTT). Trong nghiên cứu này, tác giả quan niệm: “DHTT là một hình thức tổ chức dạy học trong đó quá trình dạy học chủ yếu thông qua internet, có tính mở và linh hoạt, tạo điều kiện cho người học có thể học mọi lúc, mọi nơi”. Như vậy, DHTT không loại trừ dạy học trực tiếp mà các hoạt động gặp mặt và tương tác trực tiếp giữa thầy và trò vẫn có thể diễn ra cả ở trong và ngoài không gian lớp học truyền thống.
  
Theo đề xuất của Phan Thị Bích Lợi, quy trình thiết kế DHTT gồm 5 bước: (1) Lập kế hoạch; (2) Thiết kế dạy học; (3) Tổ chức thực hiện; (4) Đánh giá sau triển khai dạy học; (5) Cải tiến. Các bước được cụ thể hóa thành yêu cầu như sau:
  
Bước 1. Lập kế hoạch. Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình tổ chức DHTT. Cần tiến hành xác định: các vấn đề về tổ chức dạy học, mục tiêu của khóa học, những hoạt động học tập và cách thức nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc học tập của học sinh, các nhiệm vụ học sinh cần hoàn thành cũng như cơ hội giúp học sinh có thể chứng minh thành tích học tập của mình.
  
Bước 2. Thiết kế dạy học. Trong thiết kế dạy học, cần tập trung: xác định mục tiêu học tập, xác định nội dung và tài nguyên học tập, lựa chọn phương pháp dạy học, lựa chọn công nghệ, lựa chọn phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá, thiết kế các loại đánh giá.
  
Bước 3. Tổ chức thực hiện. Vai trò của giáo viên khi tổ chức thực hiện khóa học gồm: tổ chức các hoạt động học tập trực tuyến và trực tiếp, quản lý học sinh, hỗ trợ và duy trì hoạt động học tập của học sinh, tạo động lực và thu hút học sinh, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh…
  
Bước 4. Đánh giá sau triển khai dạy học. Đánh giá cho việc dạy và học trực tuyến dựa trên ba lĩnh vực chính sau: Sư phạm - các hoạt động học tập làm nền tảng cho bài học; Nguồn lực - nội dung và thông tin được cung cấp cho người học; Chiến lược phân phối - các vấn đề liên quan đến cách thức mà khóa học phân phối nội dung cho người học.
  
Bước 5. Cải tiến. Ở giai đoạn cải tiến, quy trình thiết kế, tổ chức dạy học được bắt đầu lại từ đầu để kết hợp tất cả những thay đổi được thực hiện để cải thiện khóa học/ bài học cho khóa học/ bài học tiếp theo.
  
Quy trình thiết kế DHTT được trình bày trong bài viết này được xem như là gợi ý cho các nhà giáo dục, giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục. Họ cần xem xét tổng thể các yếu tố như khung chính sách, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ, nguồn nhân lực, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, và nội dung, tài nguyên số phục vụ dạy học để thiết kế DHTT hoàn toàn cũng như dạy học kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến được thành công.
  
Trên thực tế, việc triển khai DHTT vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, DHTT được coi là một trong các giải pháp trọng tâm và hiệu quả để duy trì hoạt động dạy và học liên tục, thường xuyên.
  
Tài liệu tham khảo
Phan Thị Bích Lợi (2021). Đề xuất quy trình thiết kế dạy học trực tuyến. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, số 42, 7-12.