Hội nghị thế giới lần thứ nhất về Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (diễn ra từ 27 tới 29 tháng 9 năm 2010 tại Mátxcơva)
Các bộ trưởng giáo dục, các chuyên gia và đại diện của các cộng đồng trên toàn thế giới sẽ nhóm họp tại Mátxcơva từ ngày 27 tới ngày 29 tháng 9 năm 2010 để đề xuất những biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến trình tiếp cận Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Họ sẽ tham gia Hội nghị thế giới lần thứ nhất về Chăm sóc và Giáo dục trẻ em: Xây dựng sự cường thịnh của các quốc gia, được tổ chức bởi UNESCO, Chính quyền Liên bang Nga và thành phố Matxcơva
Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova sẽ khai mạc sự kiện này cùng với Thị trưởng thành phố Mátxcơva Yuri Luzhkov và Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học Liên Bang Nga Andrei Fursenko, những người đồng thời sẽ chủ trì hội nghị là Eleonora Mitrofanova, Chủ tịch Ban điều hành UNESCO, và Trợ lý Giám đốc của UNESCO - Trưởng ban Giáo dục, Qian Tang. Tổng thống của Liên bang Nga Dmitri Medvedev cũng được mời tới dự lễ khai mạc.
“Trẻ em là nguồn tài nguyên quý giá nhất của chúng ta,” Irina Bokova phát biểu trong thông điệp trước hội nghị. “Chúng ta hãy cùng nắm bắt cơ hội do Hội nghị này mang lại để làm mới và tăng cường thêm nữa cam kết của chúng ta cho một sự khởi đầu khỏe mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi trẻ em. Bằng cách đầu tư cho trẻ em ở những năm đầu đời, tất cả chúng ta đều sẽ được đền đáp xứng đáng.”
Những báo cáo chính là của nhà kinh tế học người Mỹ Jeffrey Sachs (bằng video), người sẽ trình bày bản tham luận về đầu tư và hiệu quả dành cho Chăm sóc và Giáo dục trẻ em; và Jack Shonkoff, Giáo sư về nhi khoa của Trường Y khoa trực thuộc Đại học Harvard và Chủ tịch Ủy ban Khoa học quốc gia về Phát triển trẻ em của Hoa Kỳ, người sẽ trình bày về những nghiên cứu khảo sát về não và sự phát triển của trẻ em, cùng với Danny Faure, Phó chủ tịch của Seychelles.
Giai đoạn ấu thơ của trẻ em được tính từ khi sinh ra cho tới 8 tuổi. Đó là thời gian mà não có những phát triển đáng chú ý, những năm đầu đời tạo ra nền tảng cho hoạt động học tập sau này. Tuy nhiên đó cũng là thời gian mà trẻ em rất dễ bị tổn thương, đặc biệt trong một thế giới đang phát triển, khi mà trong 10 trẻ em thì có tới 4 trẻ phải sống trong cảnh cực kì nghèo khó và mỗi năm có tới 10,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì những bệnh lẽ ra có thể phòng ngừa
Mở rộng và cải thiện toàn diện việc chăm sóc và giáo dục trẻ em ở giai đoạn ấu thơ, đặc biệt là những em có hoàn cảnh khó khăn nhất, là một trong sáu mục tiêu của chương trình “Giáo dục cho mọi người” được đề xướng bởi các nước thành viên của UNESCO vào năm 2000. Hội nghị Mátxcơva sẽ đánh giá tiến độ và đề ra các giải pháp cho các quốc gia nhằm đạt được mục tiêu này. Hội nghị cũng sẽ khảo sát các cơ chế để xây dựng các chuẩn và các mục tiêu nhằm vượt qua những chướng ngại sẽ cản trở sự phát triển của những dịch vụ chăm sóc và giáo dục trẻ em giai đoạn ấu thơ và cho việc giám sát tiến trình phân phối dịch vụ.
Thảo luận tại Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề: các chính sách phát triển, chi phí và tài chính, và các khung thể chế và luật pháp, kinh nghiệm khu vực, chất lượng và sự đáp ứng, sự ngăn cấm và cách ly khỏi xã hội; và giám sát và đánh giá. Tình hình tại một số quốc gia cũng sẽ được trình bày để nhấn mạnh những chương trình hiệu quả tại những vùng khác nhau trên thế giới.
Hội nghị sẽ thông qua Kế hoạch Hành động Mátxcơva, đề ra hướng đi cho tương lai, trước khi Thủ tướng Tiểu Vương quốc Ả Rrập, H.H. Sheikh Mohammed bin Rashid Al Maktoum chính thức tuyên bố bế mạc.
Sau đây là Mười cơ sở lập luận về Chăm sóc và Giáo dục trẻ em giai đoạn ấu thơ (ECCE – Early Childhood Care and Education)
1. ECCE là một quyền, được công nhận trong Công ước về quyền của trẻ em được thông qua bởi 149 nước.
2. ECCE là cơ sở của EFA và là bước đầu tiên để đạt được tất cả những mục tiêu còn lại của EFA
3. ECCE có thể cải thiện tình trạng hạnh phúc của trẻ em, đặc biệt trong một thế giới đang phát triển, khi mà mỗi trẻ em có tới 40% nguy cơ sống trong hoàn cảnh đặc biệt nghèo đói và mỗi năm có tới 10,5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chết vì những bệnh có thể ngăn chặn được.
4. ECCE đóng góp vào Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ về việc giảm đói nghèo, cũng như đóng góp cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe và những mục tiêu toàn cầu khác.
5. ECCE có tác động tốt tới giáo dục phổ thông sau này và tạo cơ hội học đại học cho trẻ em, đặc biệt là cho trẻ em gái.
6. ECCE có lợi về mặt tài chính vì nó áp dụng những biện pháp có tính chất phòng ngừa nhằm trợ giúp trẻ em từ sớm thay vì đền bù cho những khó khăn của chúng về sau
7. ECCE dưới hình thức chăm sóc trẻ em một cách đáng tin cậy sẽ là sự trợ giúp cần thiết cho những phụ huynh phải lao động, đặc biệt là các bà mẹ.
8. Đầu tư ECCE đạt được hiệu quả kinh tế cao, xóa bỏ khó khăn và sự bất công, đặc biệt là cho trẻ em từ những gia đình nghèo. Nó mang lại lợi ích cho những người phải đóng thuế và tăng cường khả năng tài chính.
9. ECCE có tác động tích cực đến sự tham gia của lực lượng lao động nữ và giáo dục của những anh chị ruột
- ECCE mang lại công bằng cho trẻ em bằng cách giảm bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo và theo cách đó, là chìa khóa cho việc phá vỡ vòng quay của sự nghèo đói tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
(Nguồn tài liệu: First World Conference on Early Childhood Care and Education to take place in Moscow from September 27-29,
Địa chỉ: http://www.unesco.org/new/en/media-services/single-view/news
Trịnh Thị Hồng Hà