Đó là gợi ý của nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trong cuộc Hội thảo diễn ra sáng nay (21/9) với sự tham dự của nhiều học giả có tên tuổi trong giới học thuật.
“Nhận diện” mô hình trường phổ thông hiện nay
Xét theo cấp học thì hiện nay ở Việt Nam có trường tiểu học, THCS, THPT và còn tồn tại hình thức trường liên cấp ở một số vùng. Nếu phân loại theo chủ thể thành lập thì hiện có trường công lập và ngoài công lập; nếu phân loại theo tiêu chí đặc điểm của đối tượng thì hiện có trường đại trà và chuyên biệt.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt đề tài độc lập cấp nhà nước “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp cải cách công tác đào tạo giáo viên phổ thông” và giao cho Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam chủ tì, tập hợp các nhà khoa học thực hiện. Mục tiêu của đề tài là đề xuất quan điểm, nguyên tắc và giải pháp mang tính cải cách công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên các cấp của giáo dục phổ thông nhằm đón đầu cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông thực hiện sau 2015. |
Trường phổ thông ở nước ta đã có một truyền thống lâu đời từ trong xã hội phong kiến đến thời kỳ Pháp thuộc, qua cách mạng tháng 8/1945 cho đến nay.
Ảnh hưởng của giáo dục phong kiến, giáo dục phổ thông Pháp, giáo dục phổ thông Xô Viết đến giáo dục phổ thông nói chung và nhà trường phổ thông Việt Nam là khá rõ nét trong các thành tố quan trọng của mô hình như nhiệm vụ, nội dung, phương pháp giáo dục...
Nhà trường phổ thông hiện nay về cơ bản vẫn là một nhà trường truyền thống, mặc dầu mô hình đó đã dần dần có sự thay đổi để thích nghi với sự phát triển của xã hội, con người. Đó là nhận định của PGS.TS. Trần Kiều.
PGS.TS.Trần Kiều cho rằng, hoạt động cơ bản của nhà trường truyền thống là thầy truyền thụ và trò tiếp nhận những điều đã được quy định sẵn trong sách giáo khoa, với mục đích cuối cùng là hiều được bài, trả lời được các câu hỏi, hoàn thành được các bài tập, làm được các bài kiểm tra, ứng phó được với các kỳ thi. Tổ chức dạy học chủ yếu vẫn theo cấp, lớp, môn.
Ông Trần Kiều cho rằng, nhà trường phổ thông nước ta cho đến nay vẫn có thể xem là một nhà trường “chữ nghĩa, ứng thí”.
Một số băn khoăn về nhà trường phổ thông hiện nay ở nước ta được ông Trần Kiều đưa ra, đó là những hạn chế trong việc thực hiện yêu cầu giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh; việc còn coi nhẹ chiều tác động của nhà trường đến cộng đồng trong nhiều lĩnh vực. Từ đó, ông Trần Kiều cho rằng, nhà trường phổ thông Việt Nam không phải là ngoại lệ trước nguy cơ của giáo dục thế giới vào thời kỳ đầu thể kỷ XXI (việc học tập trong nhà trường nặng nề gây những hệ quả xấu về mặt tâm lý, xã hội; nhiều kiến thức song lại không biêt sử dụng, nội dung và kết quả học tập trong nhà trường không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển kinh tế, xã hội; sự phân cực về trình độ, về công bằng xã hội ngày càng lớn).
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cho rằng, trong những năm gần đây, nước ta đã thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, bắt đầu bằng đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Kết quả đã đạt được là đáng khích lệ. Tuy nhiên, sự đổi mới này mới là bước đầu, chưa tạo được sự chuyển biến cơ bản tình hình giáo dục phổ thông. Nội dung giáo dục vẫn nặng nề, ít gắn với cuộc sống; phương pháp giáo dục vẫn nặng về truyền thụ một chiều... Một trong những nguyên nhân cơ bản của yếu kém này là đội ngũ giáo viên phổ thông cong nhiều bất cập về số lượng, cơ cấu, năng lực nghề nghiệp... Hệ thống đào tạo giáo viên không theo kịp sự đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Nhấn mạnh vào mô hình trường THCS dạy học 2 buổi/ngày (THCS DH2BN) ở nước ta giai đoạn hiện nay, TS.Phạm Đức Quang – Viện Khoa học GD Việt Nam cho rằng, có thể xem trường THCS DH2BN là giai đoạn quá độ để chuyển dần sang học cả ngày ở nước ta.
Cũng theo TS.Phạm Đức Quang, đa số giáo viên, học sinh, phụ huynh học sinh và cán bộ quản lý được hỏi đều ủng hộ mô hình trường THCS DH2BN bởi nhiều lý do. Trong đó có việc dạy 2 buổi/ngày sẽ thoáng hơn, giáo viên có điều kiện tìm hiểu học sinh, đổi mới phương pháp dạy học; học sinh có điều kiện hơn để ôn tập, nâng cao, mở rộng kiến thức, để vui chơi, tham gia các hoạt động, được thêm thời lượng sẽ bớt căng thẳng trong việc học các tiết/môn học...
Tuy nhiên, việc dạy 2 buổi/ngày hiện vẫn còn một số khó khăn bất cập như cơ sở vật chất, sân chơi, bãi tập, thư viện, phòng ăn, nghỉ của học sinh, phòng đọc,... chưa tương xứng; còn thiếu trợ giảng; việc chỉ đạo về việc dạy và học, hoạt động cho cả ngày, cả tuần, cả tháng, cả năm của HS, GV, tổ chuyên môn, nhà trường còn bỡ ngỡ, bất cập.
Mô hình trường phổ thông VN sẽ như thế nào trong tương lai?
PGS.TS.Vũ Trọng Rỹ - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, trong nền văn minh tin học, sự phát triển của công nghệ máy tính điện tử và mạng internet trở thành nhân tố ảnh hưởng đáng kể tới nhà trường. Nhờ có những công cụ, phương tiện này mà một phần của giáo dục chuyển dịch ra khỏi nhà trường về các gia đình.
Với kỹ thuật máy tính kết hợp với mạng internet, người ta có thể tự tiến hành đào tạo lại, làm phong phú thêm vốn kiến thức, kỹ năng của mình để thích ứng với sự biến đổi thường xuyên của công nghệ và việc làm mà không nhất thiết phải đến nhà trường. Sự phát triển của công nghệ máy tính và kỹ thuật viễn thông đang dẫn đến sự toàn cầu hóa giáo dục và do đó nhà trường cũng mang tính toàn cầu.
Ngày nay, theo PGS.TS.Vũ Trọng Rỹ, nhà trường đang dần trở thành hệ mở, không bị khuôn cứng lại trong một không, thời gian hay nội dung đào tạo nhất định. Nhà trường là một hệ mở về đối tượng học; mở về mối quan hệ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, mở về phương thức đào tạo, thể hiện tính đa dạng hóa của giáo dục. Do đó, khái niệm nhà trường cũng mở rộng hơn, không chỉ giới hạn trong nhà trường chính quy mà bao hàm tất cả các kiểu nhà trường khác nhau, trong đó nhà trường chính quy được xem là hệ thống đơn vị nòng cốt của hệ thống giáo dục.
Nhà trường của Việt Nam hiện nay phải là nhà trường hiện đại với đặc trưng trên và mang những đặc thù bản sắc Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế. Đó là nhà trường thực hiện giáo dục toàn diện; thực hiện nguyên lý giáo dục học đi đôi với hành; tách rời tôn giáo, nội dung giáo dục phải đảm bảo tính khoa học, đại chúng, dân tộc; thực hiện bình đẳng giáo dục...
Chính quan niệm về nhà trường hiện đại, theo PGS.TS.Vũ Trọng Rỹ là cơ sở để thiết kế mô hình trường phổ thông sau 10-15 năm tới. Đó là nhà trường mở, gắn kết chặt chẽ với gia đình học sinh và cộng đồng; thực hiện giáo dục toàn diện và có đủ điều kiện thưc hiện hiệu quả giáo dục toàn diện; đảm báo dân chủ, hợp tác là nguyên tắc chi phối tất cả các hoạt động trong nhà trường.
Khi đó, nhà trường phải có mục tiêu cụ thể thể hiện rõ triết lý phát triển của nhà trường; được quyền tự chủ về nhân sự, tài chính và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục trên cơ sở đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch với sự giám sát của tập thể giáo viên và cộng đồng; thực hiện giáo dục toàn diện; áp dụng các phương pháp dạy học phát huy tính chủ động tích cực, sáng tạo của học sinh; thời gian học tập trong nhà trường được kéo dài cả ngày (từ 6-7 tiếng) và phân bổ hợp lý cho các tiết học và các hoạt động giáo dục khác; đảm bảo về đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý về năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức; có đủ không gian sư phạm với cơ sở hạ tầng phù hợp đảm bảo cho việc thực hiện có hiệu quả giáo dục toàn diện; có đủ thiết bị dạy học có chất lượng và các phương tiện kỹ thuật khác; môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh...
TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến với cách tiếp cận ở tầm vĩ mô đã đưa ra mô hình theo ông là “mô hình mong muốn và khả thi” của trường phổ thông Việt Nam trong tương lai, đó là mô hình nhà trường – tổ chức học tập nền tảng. Đó là nền tảng để học tập suốt đời, nền tảng cho giáo dục vì sự phát triển bền vững. Mô hình này, theo TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến là sự tương thích giữa mô hình nhà trường với mô hình mới trong tăng trưởng kinh tế của nước ta. Nhà trường được đổi mới theo hướng đa dạng hóa về tổ chức, canh tân trong dạy học nhằm chuẩn bị cho học sinh những năng lực cần thiết để học suốt đời và thành công trong những lựa chọn của mình trên con đường học vấn hoặc vào đời. Liên kết giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp được tạo dựng và thắt chặt. Niềm tin của công chúng và sự hỗ trợ của xã hội đối với nhà trường được tăng cường. Công bằng xã hội trong giáo dục được cải thiện. Lợi thế của cơ cấu dân số vàng được phát huy. Với mô hình này, nhà trường thoát ra khỏa cung cách quan liêu – hành chính trong tổ chức và điều hành để trở thành một tổ chức học tập năng động, gắn kết chặt chẽ với xã hội, chủ động đáp ứng các đòi hỏi mới của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến, nước ta hiện đã có các yếu tố cần thiết cho việc thực hiện thành công mô hình này. Vấn đề chính yếu còn lại là sự thống nhất về nhận thức và quyết tâm trong tổ chức thực hiện. Cuộc vận động hiện nay về xây dựng “Trường học thân thiện – Học sinh tích cưc” cùng những thành công trong hai năm học vừa qua của phong trào này là bước khởi đầu quan trọng.
Hiếu Nguyễn - http://www.gdtd.vn