Hội thảo đã tập trung thảo luận các vấn đề như Giáo dục tư duy kinh tế trong các trường trung học, trong các Trung tâm giáo dục thường xuyên, Đào tạo bồi dưỡng giáo viên giáo dục tư duy kinh tế, cách thức triển khai, kinh nghiệm tổ chức giáo dục tại các địa phương như Thanh Hóa, Bình Phước và Trà Vinh... Từ đó hoàn thiện hệ thống tài liệu, tập huấn đội ngũ giáo viên, làm tốt hơn công tác tuyên truyền chuẩn bị, tạo điều kiện học tập môn kinh tế cho học sinh các trường trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục thường xuyên.
Giáo dục Việt Nam đang phát triển trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi nhanh và phức tạp trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế về giáo dục.
Phát biểu tại Hội thảo, đa số ý kiến đại biểu cho rằng quản trị kinh doanh là nội dung cần đưa vào chương trình giảng dạy từ bậc trung học cơ sở.
Theo ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học chuyên nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục tư duy kinh tế giúp cho người học tinh thần sáng tạo, sẵn sàng chấp nhận rủi ro đồng thời luôn luôn đổi mới, phấn đấu vươn lên và hình thành tư chất lãnh đạo cho con người.
Ở Việt Nam hàng năm có khoảng 30% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở không vào học trường trung học phổ thông mà tham gia vào lao động sản xuất, khoảng 80% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông không vào học các trường đại học, cao đẳng mà tự tạo việc làm và lập nghiệp, trong đó có nghề kinh doanh.
Do vậy, các đại biểu cho rằng giáo dục không chỉ đơn thuần là dạy việc kiếm tiền, lời lãi, mà nhằm phát triển tư duy kinh tế, hình thành đạo đức kinh doanh và văn hóa kinh doanh lành mạnh cho thế hệ trẻ.
Việc đào tạo nghiêm túc cho đối tượng học sinh sẽ giúp có được thế hệ những doanh nhân có tinh thần trách nhiệm, không làm ăn chộp giật cho dù kinh doanh ở quy mô nhỏ hay quy mô lớn.
Việc dạy môn kinh doanh hay kinh tế trong trường phổ thông cũng chính là cơ hội hướng nghiệp cho học sinh có sở thích, năng khiếu thi vào các trường đại học, cao đẳng có đào tạo về lĩnh vực kinh doanh, góp phần tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và cần thiết.
Sau khi học về kinh doanh, khả năng định hướng nghề nghiệp của các em sẽ tốt hơn. Học sinh có thể nhận thấy mình ra trường không nhất thiết thi vào đại học mà có thể mở cơ sở kinh doanh nhỏ. Đồng thời, giúp học sinh có được những kỹ năng mềm như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng quản lý và hoạch định kế hoạch, kỹ năng làm việc nhóm…
Chương trình giáo dục kinh doanh hay tư duy quản lý kinh tế đã được đưa vào giảng dạy thí điểm trong các trường phổ thông và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm lao động kĩ thuật hướng nghiệp.
Kết quả khảo sát tại các trường trung học phổ thông cho thấy giáo dục kinh doanh và quản lý kinh tế cho học sinh trung học phổ thông là rất cần thiết và có thể nhân rộng cho đối tượng học sinh trung học cơ sở.
Từ năm 2006, việc giáo dục kinh tế và kinh doanh đã được triển khai thí điểm ở một số trường trung học phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên của Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Bình Phước và Trà Vinh.
Theo báo cáo của nhóm thực hiện thí điểm, đã có nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tự đứng ra kinh doanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao. /.
Ngọc Anh (TTXVN)