Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm việc với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 21/1/2013, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do GS.TSKH. Đào Trọng Thi, UVTW Đảng, Chủ nhiệm UBVHGD, TN, TN & NĐ làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

UBTVQH.jpg

     Đến tham dự Hội nghị, Về phía Đoàn giám sát, có GS.TSKH. Đào Trọng Thi, UVTW Đảng, Chủ nhiệm UBVHGD, TN, TN & NĐ – Trưởng đoàn giám sát, cùng các thành viên; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo có: Thứ trưởng, TS. Nguyễn Vinh Hiển; về phía Viện Khoa học giáo dục Việt Nam có: Viện trưởng, GS.TS. Phan Văn Kha, đại diện lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc Viện, các nhà khoa học, các chuyên gia xây dựng chương trình, sách giáo khoa của Viện.

     Tại buổi làm việc, Đoàn giám sát tập trung tìm hiểu về việc biên soạn, thẩm định và thí điểm chương trình, sách giáo khoa phổ thông hiện hành và công tác chuẩn bị Đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

     Qua báo cáo của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cho thấy, tính đến nay, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành đã được sử dụng trong nhà trường hơn 10 năm (2002 - 2013) và đã có những đóng góp quan trọng trong việc giáo dục, đào tạo nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, trước tình hình và yêu cầu phát triển mới của đất nước, trước các thành tựu về phát triển chương trình giáo dục phổ thông của thế giới, chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam đã bộc lộ những bất cập, yếu kém, như: thiên về trang bị kiến thức khoa học bộ môn, chưa chú trọng đúng mức đến rèn luyện phương pháp tự học, thực hành và ứng dụng thực tiễn cho học sinh, chưa chú ý phát triển các năng lực cần thiết trong xã hội hiện đại, đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo; giáo dục hướng nghiệp, tổ chức dạy học phân hóa chưa tạo điều kiện tốt cho phân luồng sau THCS và sau THPT... Bên cạnh đó là những điều kiện cần thiết đi kèm cũng còn yếu kém, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục phổ thông như: đội ngũ giáo viên, các vấn đề về tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học,…

     Những hạn chế, bất cập trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành đã phần nào có những hướng giải quyết trong “Đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” mà Bộ GD và ĐT đang soạn thảo. Theo lộ trình triển khai Đề án, sẽ xây dựng xong định hướng trong năm 2013; xây dựng và thẩm định lần thứ nhất về chương trình tổng thể, cấp học, môn học giai đoạn 2013 - 2014; biên soạn sách giáo khoa theo phương thức thực hiện đồng thời cả 3 cấp học, bắt đầu từ lớp học đầu tiên của mỗi cấp; mỗi lớp được thử nghiệm và hoàn thiện trong 2 năm, đến năm học 2018 - 2019 sẽ có các lớp 1, 6 và 10 đầu tiên triển khai chính thức ở những nơi có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất...
     Các thành viên trong Đoàn giám sát cho rằng, Đề án phải xác định rõ định hướng, mục tiêu, những giải pháp đưa ra cần phải cụ thể; đề cập đến những vấn đề cụ thể, như: cơ cấu bậc học trong hệ thống giáo dục quốc dân, quy trình xây dựng chương trình - sách giáo khoa, trong đó thể hiện được mối liên hệ trong quá trình xây dựng chương trình và sách giáo khoa, chương trình phải đi trước một bước... Ngay từ bây giờ, Bộ GD và ĐT phải chuẩn bị đội ngũ giáo viên để có thể đảm đương nhiệm vụ nếu Đề án được triển khai. Để Quốc hội sớm có Nghị quyết về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, thay cho Nghị quyết 40, Đoàn giám sát đề nghị Bộ GD và ĐT, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cần khẩn trương chuẩn bị nội dung để kịp trình Quốc hội chậm nhất tại kỳ họp đầu năm 2014.