Hội thảo “Tầm quan trọng của tập luyện nghe nói trong hành trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 26/4/2015, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với công ty TNHH Sonova Việt Nam tổ chức hội thảo “Tầm quan trọng của tập luyện nghe nói trong hành trình phát triển ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính”.

Hội thảo có sự tham dự của GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khuyết tật, Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt, đại diện của một số trung tâm và phòng chức năng của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; giáo viên của các trường/trung tâm can thiệp sớm trẻ khiếm thính ở nhiều địa phương thuộc khu vực phía Bắc. Đặc biệt có sự tham gia của các chuyên gia thính học, âm ngữ trị liệu và đại diện công ty Sonova Việt Nam (đơn vị tài trợ).


Phát triển ngôn ngữ nói sẽ giúp trẻ khiếm thính có cơ hội tham gia học tập và hòa nhập cùng các bạn đồng trang lứa và phương tiện trợ thính góp phần làm nên điều kỳ diệu này. TS. Nguyễn Thị Thiên Hương (chuyên gia thính học) khẳng định “Việc trang bị phương tiện trợ thính phù hợp sẽ tạo nên nền tảng tốt để trẻ khiếm thính tiếp cận và phát triển ngôn ngữ nói. Tuy nhiên, phương tiện trợ thính phù hợp chưa đủ, mà cần có sự tác động tích cực về mặt giáo dục để các em có thể phát huy tối đa sức nghe mới của mình cho việc lĩnh hội, phát triển ngôn ngữ”.

Với kinh nghiệm nhiều năm kinh nghiệm là công tác trị liệu ngôn ngữ ngôn ngữ cho trẻ khiếm thính tại Vương quốc Anh, TS. Emma Stark đã chia sẻ những kiến thức quí báu về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ nhỏ, các kĩ thuật giúp trẻ phát triển ngôn ngữ sớm. Bên cạnh đó TS. Emma Stark minh họa một số kĩ thuật phát triển lời nói thông qua trò chơi, sách truyện và đặc biệt sử dụng âm nhạc trong giáo dục trẻ khiếm thính.

Tại hội thảo, TS. Vương Hồng Tâm – Phó Giám đốc, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt khẳng định vai trò của giáo dục hòa nhập đối với sự phát triển ngôn ngữ nói của trẻ khiếm thính, trong lớp học hòa nhập trẻ được sống trong môi trường ngôn ngữ tự nhiên để có những trải nghiệm về ngôn ngữ nói phong phú từ bạn bè và những người xung quanh. Ngôn ngữ trở nên phong phú và hiệu quả chỉ khi trẻ khiếm thính được học ngôn ngữ trong ngữ cảnh và có sự tương tác xã hội.

Hội thảo kết thúc với phần thảo luận sôi nổi giữa các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên đang làm công tác can thiệp sớm trẻ khiếm thính và tất cả học viên tham dự đều có chung nguyện vọng tiếp tục được cung cấp những kiến thức, kỹ năng sâu hơn nữa về lĩnh vực này giúp cho công tác can thiệp sớm cho trẻ khiếm thính ngày càng phát triển và hiệu quả hơn.

Vương Hồng Tâm, Trung tâm nghiên cứu Giáo dục đặc biệt