Đến hội thảo có TS. Nguyễn Hồng Thuận, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Tâm lý học – Giáo dục học; cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ Viện quan tâm tham dự.
Theo tác giả, Truyện kể (storytelling) là thuật ngữ chỉ sự tương tác giữa người kể chuyện và người nghe; trong đó, sử dụng lời nói và hành động, cử chỉ, điệu bộ và hình ảnh để diễn đạt và làm bộc lộ nội dung, ý nghĩa của một hay một số câu truyện. Các loại truyện được kể bao gồm: truyện về tiểu sử nhân vật có thật hay nhân vật huyền thoại, truyện kể lại các sự kiện của cá nhân hay thập thể, truyện dân gian, các tác phẩm văn học, truyện tôn giáo,…
Để xác định mối quan hệ giữa các biến số, việc khảo sát được thực hiện trên mẫu 845 đối tượng, độ tuổi 18-25 là sinh viên Việt Nam, Trung Quốc (phương Đông); và sinh viên Mỹ, Đức (phương Tây), với ba công cụ đo: Truyện kể APCES (Nguyen & Stanley, 2014), Tính kiên cường BRS (Smith et al., 2008), và Giá trị cá nhân PVQ (Schwartz, 1992).
Kết quả phân tích mô hình bằng phần mềm thống kê SPSS và Amos cho thấy:
- Sinh viên phương Tây trải nghiệm truyện kể thời thơ ấu nhiều hơn phương Đông. Những sinh viên có những trải nghiệm với Truyện kể nhiều hơn thì họ dễ sàng tiếp cận với những giá trị mang tính cởi mở để thay đổi. Và theo đó, Tính kiên cường của họ ở tuổi trưởng thành cũng được tăng cường hơn so với những sinh viên có ít sự trải nghiệm với Truyện kể.
- Sự khác biệt ở Tính kiên cường giữa phương Đông và phương Tây là không đáng kể.
- Về giá trị cá nhân thì người phương Đông ưu tiên giáo trị mang tính bảo thủ, tập thể; trong khi đó người phương Tây lại có sự ưu tiên cởi mở để thay đổi.
- Truyện kể thời thơ ấu của sinh viên phương Tây có ảnh hưởng tích đến việc ưu tiên lựa chọn giá trị tự định hướng và Tính kiên cường được nâng cao thông qua sự ưu tiên lựa chọn giá trị này. Còn ở sinh viên phương Đông, sự lựa chọn này không có giá trị nhiều và sự ảnh hưởng của Truyện kể đến sự lựa chọn giá trị này là không cao.