Diễn đàn giáo dục quốc gia 2017: Những vấn đề quan trọng trong đổi mới giáo dục phổ thông hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

22/09/2017 15:50 GMT+7
Diễn đàn giáo dục 2017 là hoạt động được tổ chức nhằm chia sẻ kết quả thực hiện phân tích ngành Giáo dục, đề xuất định hướng điều chỉnh một số mục tiêu, giải pháp của Chiến lược phát triển giáo dục. Đồng thời, tạo cơ hội đối thoại chính sách giữa Bộ GD&ĐT, các bộ, ngành, địa phương với các tổ chức liên quan nhằm đưa ra những khuyến nghị cho đổi mới giáo dục hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Để hiểu hơn về Diễn đàn này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, người được giao chủ trì xây dựng bản báo cáo phân tích ngành giai đoạn 2011-2015 (đối với giáo dục phổ thông) - tài liệu chính thức của Diễn đàn giáo dục quốc gia 2017.

 

  

PGS.TS. Trần Thị Thái Hà, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam


Thưa bà, vừa qua Diễn đàn giáo dục 2017 đã được tổ chức và mang lại tiếng vang lớn với những số liệu được dư luận và xã hội rất quan tâm và chia sẻ. Xin bà tóm tắt lại những nội dung đã được trao đổi tại Diễn đàn này?

Bà Trần Thị Thái Hà: Diễn đàn giáo dục quốc gia 2017 được tổ chức trong bối cảnh ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện. Nội dung trọng tâm của Diễn đàn lần này là công bố kết quả báo cáo phân tích ngành giáo dục, trong đó tập trung vào giáo dục phổ thông giai đoạn 2011-2015.

Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lí đến từ các cơ sở nghiên cứu và giáo dục trung ương và địa phương đã chia sẻ kết quả thực hiện phân tích ngành giáo dục, trong đó chú trọng các nội dung: Tiếp cận giáo dục; kết quả học tập của học sinh; đổi mới phương pháp dạy học và một số điều kiện đảm bảo cho tiếp cận giáo dục và chất lượng dạy và học.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã trao đổi, thảo luận về các khuyến nghị chính sách giữa Bộ GD&ĐT, các cơ quan liên quan, địa phương và các đối tác giáo dục về các vấn đề cần quan tâm trong bối cảnh đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông hiện nay.

Từ đó, đề xuất định hướng và giải pháp liên quan đến giáo dục phổ thông trong việc thực hiện giai đoạn hai của Chiến lược phát triển giáo dục 2011 - 2020, hướng tới đổi mới giáo dục Việt Nam vì mục tiêu phát triển bền vững.

  

 

Với vai trò là chuyên gia giúp Bộ GD&T chủ trì xây dựng bản báo cáo phân tích ngành, bà có thể cho biết quá trình xây dựng báo cáo đã được triển khai như thế nào?

Bà Trần Thị Thái Hà: Báo cáo này là sự tiếp nối ý tưởng xây dựng báo cáo phân tích ngành bắt đầu từ năm 2013 của UNESCO. Năm 2014 là thời điểm kết thúc giai đoạn 10 năm thực hiện giáo dục cho mọi người và Việt Nam là một trong những nước đã đạt được kết quả ấn tượng. Vì vậy UNESCO đã giới hạn phạm vi giáo dục Tiểu học cho báo cáo phân tích ngành (Education Joint Sector Review, JSR) năm 2013-2014.

Tiếp đó, thông qua cơ quan điều phối UNESCO, Bộ GD&ĐT thực hiện Phân tích ngành giáo dục năm 2015-2016, tập trung vào giáo dục phổ thông. Kết quả phân tích được kì vọng sẽ hỗ trợ Bộ GD&ĐT sơ kết thực hiện chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011-2015, đồng thời đưa ra các đề xuất để điều chỉnh mục tiêu và giải pháp của Chiến lược, chuẩn bị cho việc triển khai giai đoạn 2 của chiến lược phát triển giáo dục (2016-2020), phù hợp với yêu cầu về đổi mới giáo dục và bối cảnh phát triển của đất nước.

Điểm mới của báo cáo lần này đó là nghiên cứu dựa trên cách tiếp cận phân tích đa chiều, dựa trên kết quả, có sự tham gia của các bên, việc phân tích kết hợp với nhóm nghiên cứu và cung cấp bằng chứng cho việc đánh giá thực hiện chiến lược giữa kì sắp tới.

Để thực hiện điều này, bước đầu tiên của tiến trình nghiên cứu, là hình thành 2 nhóm: Nhóm Kĩ thuật thực hiện phân tích ngành và nhóm Nghiên cứu thực hiện các nghiên cứu thực địa. Bên cạnh đó, Bộ cũng thành lập Ban chỉ đạo để đưa ra các định hướng chỉ đạo và quyết định liên quan đến việc phân tích, thành phần là đại diện các Cuc, Vụ, Viện có liên quan của Bộ GD&ĐT.

Thách thức lớn nhất mà chúng tôi gặp phải đó là có những mục tiêu rất khó đo vì không cụ thể (ví dụ như mục tiêu về chất lượng), có những mục tiêu chưa có tiêu chí, chỉ số để đo (ví dụ như các năng lực của học sinh). Có mục tiêu có thể đo được nhưng lại thiếu số liệu (như tỉ lệ nhập học của học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số, ..).

Để giải quyết những vấn đề khó, chúng tôi đã dùng các chỉ số thay thể để phân tích, đồng thời tiến hành nghiên cứu thực tế tại địa phương. Rất nhiều cuộc tọa đàm, phỏng vấn được thực hiện với cán bộ quản lí, các chuyên viên thuộc các Sở, Phòng GD&ĐT, giáo viên, đại diện cộng đồng, cha mẹ học sinh, học sinh thuộc các cấp TH, THCS và THPT và nhóm nghiên cứu trực tiếp dự giờ, quan sát lớp học, môi trường giáo dục, … để có thêm dữ liệu phân tích

 
 

Nhóm cán bộ nghiên cứu phân tích ngành giai đoạn 2011-2015 
chụp ảnh với Lãnh đạo các đơn vị phối hợp tổ chức Diễn đàn giáo dục 2017

 


Báo cáo đánh giá tập trung vào những nội dung nghiên cứu nào, thưa bà?

Bà Trần Thị Thái Hà: Có 5 vấn đề được tập trung phân tích trong báo cáo:  

Thứ nhất, vấn đề tiếp cận giáo dục phổ thông giai đoạn 2010-2015, trong đó có nhóm thiệt thòi bao gồm: học sinh khuyết tật, học sinh dân tộc thiểu số, và học sinh nghèo. Xác định một số rào cản trong tiếp cận giáo dục ở các cấp học.

Thứ hai, kết quả học tập và năng lực của học sinh phổ thông giai đoạn 2011-2015.

Thứ ba, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cho học sinh, chú trọng tới việc phát triển năng lực tự học, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề, năng lực hợp tác cho học sinh.

Thứ tư, một số điều kiện đảm bảo cho việc dạy và học ở bậc phổ thông như: đầu tư tài chính; điều kiện cơ sở vật chất và quy mô trường lớp; phát triển đội ngũ giáo viên và công tác đổi mới quản lý.

Thứ năm, khuyến nghị về việc hoạch định và điều chỉnh chính sách giáo dục cho giai đoạn tiếp theo.

Theo bà, những vấn đề được đưa ra trao đổi tại Diễn đàn giáo dục quốc gia 2017 đã đầy đủ để nhìn nhận được bức tranh tổng thể giáo dục phổ thông Việt Nam hay chưa?

Bà Trần Thị Thái Hà: Mục tiêu tổng thể của Phân tích ngành giáo dục năm 2015-2016 là nhằm tăng cường các hoạt động của ngành giáo dục thông qua việc hỗ trợ của Bộ GD&ĐT trong chỉ đạo và điều phối thực hiện phân tích ngành giáo dục đạt chất lượng cao, hướng tới việc thể chế hóa các phân tích giáo dục hàng năm do Bộ GD&ĐT và các bên liên quan phối hợp thực hiện.

Tuy nhiên do khuôn khổ của báo cáo nghiên cứu nên những vấn đề được đưa ra trao đổi tại Diễn đàn có thể chưa đủ để nhìn nhận được bức tranh tổng thể và toàn diện về giáo dục phổ thông Việt Nam trong bối cảnh hiện tại. Chúng tôi hy vọng rằng từ những “phân tích”, “mổ xẻ” các vấn đề giáo dục của báo cáo, cùng với các ý kiến mang tính xây dựng của các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự hội thảo sẽ giúp chúng ta “định vị” được các vấn đề căn bản của giáo dục, từ đó đưa ra những đề xuất, khuyến nghị nhằm giải quyết các vấn đề trọng tâm đặt ra cho giáo dục phổ thông trong thời gian tới và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Xin cảm ơn bà!

 

Thực hiện phỏng vấn: Bùi Minh Thu & Trịnh Cao Khải