Hội thảo khoa học “Tăng cường giáo dục năng lực số và kỹ năng chuyển đổi hướng đến phát triển bền vững trong khu vực Đông Nam Á”

29/12/2020 15:19 GMT+7
Ngày 28/12/2020, tại Khách sạn Fortuna, Hà Nội, Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại (UNICEF Việt Nam) tổ chức Hội thảo “Tăng cường giáo dục năng lực số và kỹ năng chuyển đổi hướng đến phát triển bền vững trong khu vực Đông Nam Á”.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của hơn 80 đại biểu từ các đơn vị của Bộ Giáo dục và Đào tạo; các chuyên gia đến các viện nghiên cứu, trường đại học; các cơ quan báo chí trong nước và quốc tế. Tham dự Hội thảo có PGS. TS. Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; Bà Lê Anh Lan, Quyền trưởng Chương trình giáo dục UNICEF Việt Nam; TS. Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các chuyên gia, diễn giả đến từ các quốc gia trong khu vực ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Cambodia và các nước Hoa Kỳ, Anh, Úc, Phần Lan.
 
Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHGDVN Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc tại Hội thảo
 
Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS. TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ với sự thay đổi chóng mặt của công nghệ kỹ thuật số, tự động hóa,trí tuệ nhân tạo, sự toàn cầu hóa kinh tế và phúc lợi con người. Điều đó làm thay đổi cách chúng ta nghĩ và định nghĩa về nghề nghiệp nhằm đáp ứng sự phát triển xã hội. Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ thông minh tác động mạnh mẽ đến thế giới việc làm. Một số lĩnh vực mới đang xuất hiện hoặc, một số khác thì dần bị thay thế, và lực lượng lao động cần thích ứng theo kịp sự thay đổi. Đặc biệt, khi đại dịch COVID 19 xảy ra, tất cả những gì chúng ta cần suy nghĩ về những kỹ năng cần chuẩn bị cho không chỉ học sinh mà còn cả giáo viên để đối phó trong bối cảnh mới.
Theo thống kê, thị trường Internet ở khu vực ASEAN phát triển nhanh nhất trên thế giới, với 125.000 người dùng Internet mới mỗi ngày. Tuy nhiên khoảng cách kỹ thuật số trong ASEAN là một vấn đề, điều đó thể hiện ở các vùng sâu vùng xa và càng rõ nét khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Hơn nữa, thực tế là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Đông Nam Á và Thái Bình Dương ước tính là 10,9% vào năm 2020; do những người trẻ tuổi là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mất việc làm do hậu quả của đại dịch, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên dự kiến sẽ tăng lên. Theo các chuyên gia ILO, những người trẻ ở Đông Nam Á thường thiếu các kỹ năng chuyển đổi, các kĩ năng liên quan đến công nghệ số để cạnh tranh trong các ngành công nghiệp ngày càng tự động hóa. 
 
Trên thực tế, các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã tập trung đào tạo các kỹ năng hữu ích cho tương lai như: kỹ năng sáng tạo, kĩ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và năng lực số. Giá trị cốt lõi của những kỹ năng chuyển đổi (transferable skills) và kĩ năng số (digital literacy skills) chính là tạo ra lực lượng lao động kiến tạo, sẵn sàng thích nghi với những thay đổi của thời đại. Với nền tảng vững chắc này, thế hệ công dân thời đại số sẽ nắm bắt kiến thức mới nhanh chóng, biết áp dụng một cách sáng tạo vào thực tế, đồng thời giúp đánh giá, phân tích các vấn đề, giao tiếp hiệu quả và hành động theo cách mà máy móc hay công nghệ không thể thay thế được.
Bà Lê Anh Lan, Quyền Trưởng Chương trình Giáo dục, UNICEF Việt Nam phát biểu
  
Chương trình Hội thảo” bao gồm các nội dung: Những vấn đề lý thuyết và việc ứng dụng các lý thuyết về giáo dục kĩ năng chuyển đổi và năng lực số hướng đến phát triển bền vững trong bối cảnh kỉ nguyên số; Các chính sách và thực trạng triển khai giáo dục năng lực số và kĩ năng chuyển đổi của các quốc gia ASEAN hướng tới phát triển bền vững; Các rào cản và giải pháp về chính sách và thực tiễn nhằm nâng cao giáo dục năng lực số và kĩ năng chuyển đổi trong khu vực.
 
Các chuyên gia tham dự họp trực tuyến và trực tiếp
 
Hội thảo bao gồm hai phiên: (1) Phiên buổi sáng bao gồm các bài trình bày về kĩ năng chuyển đổi đến từ các chuyên gia Hoa Kỳ, Úc, các bài học kinh nghiệm trong nghiên cứu, thực hiện, triển khai đến từ các nước Indonesia, Phillipines, Thái Lan, Việt Nam; (2) phiên buổi chiều bao gồm các bài trình bày về năng lực số của các chuyên gia UNESCO Bangkok, SEAMEO INNOTECH, Phần Lan, Anh; các bài học kinh nghiệm trong nghiên cứu, thực hiện, triển khai đến từ các nước Cambodia, Singapore, Indonesia, Phillipines, Thái Lan, Việt Nam.
 
Hình ảnh của các chuyên gia quốc tế
 
Hội thảo đã nhận được nhiều thông tin khoa học quý báu từ phía các diễn giả, sự chia sẻ đóng góp tích cực từ phía các chuyên gia tham dự. Hội thảo cũng nhận được sự đóng góp bài viết tích cực từ các tác giả trong nước và quốc tế và lựa chọn được nhiều bài viết chất lượng đăng tải trong Kỷ yếu của Hội thảo. Hội thảo đã thành công tốt đẹp và kết thúc vào lúc 16h30 cùng ngày.
 
Một số hình ảnh của các diễn giả tại Hội thảo:
 

 

 
  
  Ảnh: Trung tâm Thông tin và Dự báo
Tin bài: Đỗ Đức Lân, Hoàng Phương Hạnh, 
Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia