Sinh hoạt chuyên đề "Chủ tịch Hồ Chí Minh với những chỉ dẫn về giáo dục"

19/05/2021 09:30 GMT+7
Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khoá XII "Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", chiều ngày 18/5/2021, Chi bộ Trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm KHGD phối hợp với Chi bộ Ban NC Chính sách và Chiến lược QLGD, Chi bộ Phòng QLKH, ĐT& HTQT tổ chức sinh hoạt chuyên đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Mặc dù không thể tổ chức trực tiếp do tình hình dịch bệnh Covid đang diễn biến phức tạp nhưng buổi sinh hoạt chuyên đề vẫn vô cùng ý nghĩa và mang lại vẹn nguyên cảm xúc cho người dự.
 

  
Diễn giả khách mời là GS.TS Hoàng Chí Bảo, người kể chuyện Bác Hồ, người đã có 50 năm nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua lời kể khúc chiết, truyền cảm hứng của Ông, các đảng viên như được xem một bộ phim ngắn gọn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ, những dấu mốc thời gian đi vào lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về đức tính khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, là tấm gương học tập suốt đời. Từ một cậu bé sinh ra trong gia đình nghèo khó, sớm mất mẹ, phải bỏ học giữa chừng, Người đã không ngừng học hỏi để trở thành một Danh nhân Văn hóa, một nhà Giáo dục lỗi lạc. biết nhiều ngoại ngữ để có thể giao tiếp thoải mái không cần phiên dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều bài học quý giá về nhận thức, về hành động mà mọi tầng lớp, mọi lĩnh vực đều có thể suy ngẫm và học hỏi. Đó là bài học thu phục lòng người bằng trí tuệ mẫn tiệp, lòng bao dung nhân ái, sự chân thành khiêm tốn và tôn trọng; đó là tình yêu thương bao la đối với người thân, với đồng bào, với nhân loại.
 
 
Trong giáo dục, có thể nói những chỉ dẫn của chủ tịch Hồ Chí Minh là những bài học luôn mới. Chỉ bằng những từ đơn giản và ngắn gọn như phong cách của mình, Bác đã đưa ra những định hướng quan trọng đối với giáo dục ở các lứa tuổi khác nhau: Với giáo dục mầm non, trường mẫu giáo thay mẹ dạy trẻ, vì vậy cần có tình thương của người mẹ. Dạy trẻ thơ cần giữ mãi tuổi hồn nhiên cho các cháu. Ở lứa tuổi tiểu học, cần lấy giáo dục đạo đức làm nền tảng. Ở lứa tuổi trung học, học xong phải biết làm thợ rồi sau đó tiếp tục học thêm để hiểu biết và giỏi tay nghề. Giáo dục đại học cần xác định là giáo dục bậc cao, tạo ra những tinh hoa, chuyên gia, phương pháp giảng dạy phải là phương pháp nghiên cứu.
  
  
Ngay từ những năm đầu mới dành độc lập, với hơn 90% dân số chưa biết đọc biết viết, Bác đã có khát vọng lớn lao dân tộc ta sẽ là dân tộc thông thái, có văn hóa cao. Và đó là sứ mệnh thiêng liêng của ngành Giáo dục.
 
Trong phần trao đổi thảo luận, GS Hoàng Chí Bảo còn chia sẻ thêm những kinh nghiệm hay từ việc học tập tấm gương chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng văn hóa nhà trường. Không gì tốt hơn là dựa và hệ giá trị văn hóa “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Những chuẩn mực cần có dựa trên sự dân chủ, khoa học, nhân ái, nhân văn. Văn hóa nhà trường trước tiên là nhân cách người thầy, nhân cách đó sẽ tỏa ra một môi trường dạy học đầy tính nhân văn và truyền cảm hứng. Mối quan hệ thầy trò cần dựa trên nguyên tắc: Thầy yêu quý trò, trò tôn trọng thầy, dân chủ nhưng không “cá đối bằng đầu”.
 
Trong gia đinh, giáo dục trực cảm bằng tình thương là không thể thiếu. Cha mẹ và người lớn cần tạo ra một môi trường trong đó trẻ em cảm nhận được tình yêu thương và sẵn sàng bày tỏ lòng yêu thương với mọi người. Mọi vấn đề trong mối quan hệ gia đình đều có thể giải quyết được nếu xuất phát từ lòng yêu thương. Tuy nhiên kỉ luật cũng rất quan trọng. Nếu không có kỉ luật sẽ không làm được gì đến nơi đến chốn.
 
Xây dựng hình tượng chủ tịch Hồ Chí Minh bền vững nhất chính là tượng đài trong trái tim của mỗi người dân. Hình tượng càng giản dị, gần gũi càng đi vào lòng người một cách vững chắc bền lâu. Đó cũng là cách để đưa hình ảnh Bác Hồ đến với giới trẻ ngày nay, giúp các em có niềm tự hào sâu sắc với vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc.
 
Hình ảnh các đảng viên trong buổi sinh hoạt chuyên đề.
  
  
  
Lê Thị Mai Hương
CB trường TH, THCS & THPT Thực nghiệm KHGD