Hội thảo “Công nghệ giáo dục: Hướng tới tương lai bền vững”
Sáng ngày 10/03/2022, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Viện KHGD Việt Nam phối hợp với UNICEF Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Công nghệ giáo dục: Hướng tới tương lai bền vững” theo đồng thời hai hình thức, trực tiếp và trực tuyến.
Tham dự hội thảo có GS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam; bà Simone Vis, Trưởng Phòng Giáo dục, UNICEF Việt Nam; đại diện các Cục, Vụ trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; cùng các nhà hoạch định chính sách, các nhà nghiên cứu, chuyên gia giáo dục trong nước và quốc tế.
Ban tổ chức và diễn giả tham dự hội thảo
Phát biểu khai mạc, ông Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn UNICEF không chỉ hỗ trợ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo này mà còn hợp tác với đơn vị trong nhiều dự án quan trọng khác. Trong thời gian qua, công nghệ đã tác động tích cực đến lĩnh vực giáo dục, đặc biệt chuyển hình thức học tập từ trực tiếp sang trực tuyến trong bối cảnh giãn cách xã hội. Tuy nhiên, việc đưa công nghệ vào giảng dạy còn nhiều thách thức, có thể kể đến làm như thế nào thúc đẩy năng lực số của học sinh và giáo viên, hay ứng dụng công nghệ hỗ trợ người khuyết tật như thế nào. Và những vấn đề này sẽ được thảo luận từ nhiều khía cạnh khác nhau trong hội thảo ngày hôm nay.
Đại diện UNICEF Việt Nam, bà Simone Vis nhận định công nghệ giáo dục định hình nhiều hoạt động, dịch vụ giáo dục. UNICEF cũng đã nhận thấy những lợi ích đối với học sinh, giáo viên trong việc đổi mới, sáng tạo. Chúng tôi hiện đang nỗ lực xây dựng môi trường phù hợp để việc sử dụng công nghệ giáo dục một cách hiệu quả. Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là đối tác quan trọng cùng UNICEF Việt Nam thực hiện tầm nhìn này.
GS. Justin Reich, Viện Công nghệ Massachusetts, trình bày mối quan hệ giữa công nghệ và giáo dục
Ngay trong buổi sáng, phiên toàn thể được thực hiện với chủ đề “Liệu công nghệ tự thân có thể chuyển đổi giáo dục?”, nội dung do GS. Justin Reich, Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ trình bày. Ông nhận định công nghệ giáo dục giúp việc học dễ dàng hơn. Tuy nhiên việc sử dụng công nghệ giáo dục còn nhiều rào cản, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19. Ví dụ, công nghệ giáo dục còn được sử dụng để mô phỏng các hoạt động dạy học truyền thống. Và công nghệ giáo dục tương lai là sự mở rộng từng bước của công nghệ giáo dục ở thời điểm hiện tại, chứ không phải là công nghệ giáo dục hoàn toàn mới và mang tính cách mạng. Đồng tình với diễn giả, các vị khách mời chia sẻ những khó khăn khi ứng dụng công nghệ giáo dục vào thực tiễn hoạt động giảng dạy.
Ông Christian Malambiling, SEAMEO INNOTECH, trình bày năng lực công dân số ở Philippines
Sau phiên họp toàn thể, phiên họp thứ nhất chủ đề “Thúc đẩy năng lực số trong giáo dục phổ thông” do TS. Lương Việt Thái, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều hành. Các diễn giả tập trung trình bày các vấn đề về thúc dẩy năng lực số của học sinh và giáo viên, góc nhìn mới về trình độ của các nhà giáo dục trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, và năng lực của công dân số ở Philippines. Các diễn giả đều thống nhất năng lực số là công cụ hỗ trợ giảng dạy ở nhà trường. Trong quá trình dạy học, vai trò của nhà giáo dục được đề cao với yêu cầu thành thạo các kỹ năng năng lưc số. Bên cạnh đó, các hoạt động bồi dưỡng năng lực số cần có kế hoạch dài hạn và nội dung phù hợp với từng cơ sở đào tạo cũng như từng quốc gia.
Bà Bùi Thị Diển, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, trình bày các văn bản pháp quy liên quan đến phát triển năng lực số tại Việt Nam
Ở phiên họp thứ hai, TS. Trần Thị Thái Hà, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam điều hành phiên với chủ đề “Năng lực số trong thực hành”. Có ba nội dung được thảo luận trong phiên, bao gồm năng lực số và sự thể hiện năng lực số của giáo viên, học sinh trong các lớp học trực tuyến; những can thiệp công nghệ trong hớp học tiền tiểu học từ cách tiếp cận tư duy đổi mới; việc tích hợp công nghệ trong lớp học thời kỳ hâu COVID.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam