Lãnh đạo Viện tiếp và làm việc với Đoàn chuyên gia của Văn phòng UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương về giáo dục
Chiều ngày 21/7/2022, tại Phòng họp A13, trụ sở 101 Trần Hưng Đạo, Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có buổi hội đàm với chuyên gia của Văn phòng UNESCO khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về giáo dục (UNESCO Bangkok).
Lãnh đạo Viện tiếp đón Đoàn chuyên gia UNESCO
Đến làm việc tại Viện, Đoàn công tác có bà Margarete Sachs-Israel, Trưởng Chương trình Giáo dục chất lượng hòa nhập, cùng đại diện của Văn phòng UNESCO Hà Nội. Về phía Viện, có sự hiện diện của Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng Ban lãnh đạo Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế.
Phát biểu đề dẫn, GS - Viện trưởng Lê Anh Vinh giới thiệu khái quát về chức năng, nhiệm vụ và những thành tựu chính của đơn vị. Ông khẳng định Viện luôn cập nhật các thông tin quốc tế mới nhất về giáo dục để góp phần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam. Ông cũng gửi lời chúc các chuyên gia của UNESCO Bangkok sẽ có chuyến công tác hiệu quả tại Việt Nam.
Các thành viên của Đoàn chuyên gia UNESCO
Tiếp theo, bà Margarete Sachs-Israel tóm lược các mục tiêu chính mà Giáo dục chất lượng hoà nhập hướng tới giáo dục và chăm sóc trẻ trước tuổi học, giáo dục vì sức khoẻ và hạnh phúc, giáo dục vì sự phát triển bền vững, giáo dục công dân toàn cầu, quản lý và chính sách giáo dục, và giáo dục hoà nhập.
Hai bên bày tỏ sự quan tâm đến nhiều lĩnh vực trong giáo dục, bao gồm giáo dục dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt, trẻ dân tộc thiểu số, đánh giá chất lượng giáo dục, học tập cảm xúc xã hội, nâng cao năng lực công nghệ cho giáo viên, chương trình học tập linh hoạt, giáo dục trẻ tài năng, hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học, chuyển đổi giáo dục, trường học xanh, trường học tiết kiệm năng lượng,…
Trong tương lai, đa dạng các hoạt động hợp tác có thể thực hiện, như: viết tài liệu và tập huấn giáo viên về học tập cảm xúc xã hội, đánh giá việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ chức các hội thảo với chủ đề về biến đổi khí hậu, trường học xanh, trường học hạnh phúc,…
Kết thúc buổi làm việc, hai bên cam kết sẽ tiếp tục có sự kết nối chặt chẽ để tìm kiếm các cơ hội hợp tác nghiên cứu về giáo dục, đảm bảo giáo dục bình đẳng và có chất lượng cho đa dạng đối tượng người học.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam