Tập huấn hoạt động khảo sát đánh giá tác động Dự án “Lồng ghép Học thông qua chơi vào giáo dục tiểu học - iPlay Việt Nam”

31/03/2023 14:56 GMT+7
Từ ngày 27 - 31/3/2023, tại trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu RTI Hoa Kỳ tổ chức tập huấn hoạt động khảo sát đánh giá tác động Dự án “Lồng ghép Học thông qua chơi vào giáo dục tiểu học - iPlay Việt Nam”.

Mục tiêu Dự án iPlay Việt Nam: Cán bộ quản lý và giáo viên cấp tiểu học có năng lực tích hợp một cách có hệ thống phương pháp Học thông qua Chơi trong môi trường sư phạm và triển khai tại lớp học. Tới cuối năm 2023, dự án iPLAY sẽ tiếp cận 14.695 trường học và hơn 230.000 giáo viên tiểu học tại Việt Nam.
 
Tiếp nối sự thành công của năm 2022, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tiếp tục là đối tác của Viện nghiên cứu RTI Hoa Kỳ tiến hành khảo sát đánh giá tác động giữa kỳ của Dự án. Hoạt động đánh giá tác động được diễn ra trong 03 năm liên tiếp, từ 2022 đến 2024.
 

Ông Đỗ Đức Lân phát biểu khai mạc
 
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, ông Đỗ Đức Lân - Phó Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế bày tỏ sự cảm ơn và chào mừng các khảo sát viên cũ tiếp tục tham gia hoạt động và các khảo sát viên mới đã tin tưởng và đăng kí tham gia hoạt động khảo sát năm nay. Ông cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các khảo sát viên, với sự tận tâm, nhiệt tình và chuyên môn tốt sẽ giúp thu thập các dữ liệu đầy đủ, chính xác và khách quan.
 

Bà Kellie Betts trình bày tổng quan về hoạt động đánh giá tác động Dự án
 
Tiếp theo chương trình, nhóm chuyên gia của Viện nghiên cứu RTI Hoa kỳ gồm Bà Kellie Betts, bà Tabithal K. Nduku, bà Quyên Nguyễn thực hiện các nội dung tập huấn. Mục đích của hoạt động đánh giá tác động Dự án trong 03 năm liên tiếp là đánh giá mức độ quan tâm của phụ huynh, giáo viên và lãnh đạo trong lĩnh vực giáo dục đối với Dự án học thông qua chơi, và đồng thời đo lường kết quả tổng thể trên học sinh, bao gồm các kĩ năng đọc, làm toán và kĩ năng cảm xúc xã hội.
 

Hoạt động thực hành trên lớp
 
Các học viên sẽ được chia thành các nhóm để học và thực hành các bộ công cụ: Quan sát lớp học, Đánh giá kĩ năng cảm xúc xã hội và Đánh giá kĩ năng Tiếng Việt – Toán.
 
Kết thúc tuần tập huấn, các khảo sát viên được lựa chọn sẽ tiến hành khảo sát trực tiếp tại 04 địa phương là Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Ngãi và Bình Định.
 
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam