Khai trương Chương trình hỗ trợ giảng dạy - Dự án FRACTION
Sáng ngày 29/8/2023, tại Hội trường tầng 4, trụ sở 52 Liễu Giai - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Lễ khai trương Chương trình hỗ trợ giảng dạy (CTE).
Trong khuôn khổ triển khai Dự án “Phát triển các chương trình đào tạo giảng viên theo phương pháp sáng tạo cho các trường Đại học ở Châu Á thế hệ mới” (FRACTION), Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp với Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Wroclaw, Ba Lan và các đối tác thuộc Chương trình Eramus+ thành lập Chương trình hỗ trợ giảng dạy (CTE).
Tham dự buổi lễ, về phía Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Wroclaw, Ba Lan, có sự hiện diện của TS. Kamila Ludwikowska; về phía Viện KHGDVN, có sự hiện của GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng đại diện của Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác Quốc tế; đặc biệt là sự tham gia của nhóm cán bộ nghiên cứu, giảng viên và học viên của Dự án FRACTION trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc buổi lễ, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN cho biết, trong thời gian tới, Chương trình CTE sẽ triển khai chương trình giảng dạy toàn diện bao gồm 14 học phần, đi sâu vào các chủ đề như khuyến khích sự tham gia của học sinh, áp dụng các phương pháp học tập tích cực, trau dồi kỹ năng dạy kèm và cố vấn, nắm vững cách quản lý lớp học và khai thác tiềm năng của các tài nguyên trực tuyến trong môi trường giảng dạy truyền thống. Ông cho biết, điểm độc đáo của Chương trình CTE là sự liên kết các khóa học, khuyến khích giảng viên khám phá các môn học từ nhiều góc độ. Cách tiếp cận này giúp duy trì những mối liên kết có ý nghĩa với học viên. Ông cũng bày tỏ sự tin tưởng với sự phối hợp chặt chẽ của các bên, sự tham gia nhiệt tình, có trách nhiệm của các giảng viên và học viên, mỗi cá nhân khi tham gia Chương trình CTE sẽ được khuyến khích phát huy năng lực của bản thân, tham gia cộng đồng học thuật chuyên môn, tiếp cận những cái mới, ngày càng sáng tạo trong giảng dạy,…
Tiếp theo chương trình là bài phát biểu của TS. Kamila Ludwikowska, đại diện cho Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Wroclaw, Ba Lan. Bà nhấn mạnh ba yếu tố: Motivation (động lực), Empowerment (trao quyền) và Lifelong learning (Học tập suốt đời) trong giáo dục sáng tạo. Bà cũng hy vọng qua các khoá học, giáo viên có thể thu nhận những phương pháp giảng dạy tích cực, phát huy tính sáng tạo trong giảng dạy để truyền đạt không chỉ kiến thức và kĩ năng tới người học, mà cũng phát huy sự sáng tạo của người học.
Đại diện các bên cùng thực hiện các thủ tục gắn biển Văn phòng Chương trình CTE. Chương trình CTE được thành lập với mục tiêu xây dựng cộng đồng trao đổi học thuật dành cho giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, và thúc đẩy đổi mới, sáng tạo các hoạt động sư phạm. Học viên tham gia Chương trình sẽ được đào tạo, tiếp cận phương pháp giảng dạy đổi mới, giúp nâng cao năng lực nghề nghiệp, đáp ứng với môi trường giáo dục và xã hội thay đổi nhanh chóng trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay.
Các đại biệu tham gia thực hiện thủ tục gắn biển Văn phòng Chương trình CTE
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam