Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về Dự thảo Chương trình Giáo dục Mầm non mới điều chỉnh sau thử nghiệm
Ngày 13/11/2023, tại Hội trường tầng 5, trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia về Dự thảo Chương trình Giáo dục Mầm non mới điều chỉnh sau thử nghiệm theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Đây là một hoạt động nằm trong quy trình biên soạn Chương trình Giáo dục Mầm non mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện.
Tham dự Hội thảo, về phía Bộ GD&ĐT, có Ông Nguyễn Bá Minh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non cùng các chuyên viên, và đại diện các Cục, Vụ chức năng có liên quan; về phía Tổ chức UNICEF Việt Nam, có Bà Lê Anh Lan và Ông Nguyễn Minh Nhật – chuyên gia giáo dục; về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh cùng toàn thể cán bộ, chuyên viên của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non. Đặc biệt là sự tham gia theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến của hơn 40 chuyên gia tham gia biên soạn Chương trình Giáo dục Mầm non mới và hơn 50 chuyên gia giáo dục đến từ các tổ chức, các cơ sở giáo dục trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Anh Vinh - Trưởng Ban Biên soạn Chương trình Giáo dục Mầm non mới, Viện trưởng Viện KHGDVN gửi lời chào mừng và lời cảm ơn tới toàn thể quý vị đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến hội thảo. Ban soạn thảo mong đợi xin ý kiến chuyên gia về tính phù hợp và khả thi của nội dung Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non mới, làm căn cứ điều chỉnh, hoàn thiện Dự thảo Chương trình giáo dục mầm non. Sau hội thảo này, Chương trình Giáo dục Mầm non sẽ được nghiệm thu và triển khai thí điểm ở 20 tỉnh thành trên toàn quốc trong vòng 03 năm và tiếp tục xin ý kiến chuyên gia để tiến hành điều chỉnh trong quá trình thí điểm.
Tiếp theo Chương trình là “Báo cáo về quá trình xây dựng và kết quả xây dựng Chương trình Giáo dục Mầm non mới” do PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện KHGDVN trình bày. Báo cáo tóm lược các giai đoạn xây dựng Chương trình Giáo dục Mầm non, gồm: Xây dựng Dự thảo 1 và 2, Thí điểm, và Ban hành; lộ trình này ước tính sẽ hoàn tất vào năm 2028.
Bà Lê Anh Lan, đại diện tổ chức UNICEF Việt Nam cũng đã có bài phát biểu tại Hội thảo. Bà đánh giá cao sự nỗ lực và tận tâm của các chuyên gia trong ban biên soạn và tổ thư ký thực hiện phát triển Chương trình Giáo dục Mầm non mới. Trong xu thế phát triển chung, Chương trình Giáo dục Mầm non là nền tảng cho sự phát triển toàn diện con người, đem lại nhiều lợi ích cho ngành giáo dục, cho sự phát triển chung của đất nước. Bà cũng bày tỏ ý kiến về việc Chương trình cần lưu ý các vấn đề về giáo dục hòa nhập cho các đối tượng có nhu cầu giáo dục đặc biệt, vấn đề tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số trên cơ sở tiếng mẹ đẻ,…
“Báo cáo về nội dung 5 Phần trong Chương trình Giáo dục Mầm non mới” của TS. Lê Thị Luận - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Mầm non, Viện KHGDVN đã trình bày quan điểm phát triển Chương trình, những điểm mới của Chương trình và sơ lược các nội dung của từng phần trong Dự thảo Chương trình.
Ông Nguyễn Bá Minh điều hành phiên thảo luận
Tiếp theo là Phiên thảo luận và xin ý kiến chuyên gia về 05 Phần trong Dự thảo Chương trình: Phần 1. Những vấn đề chung; Phần 2. Chương trình Giáo dục nhà trẻ; Phần 3. Chương trình Giáo dục mẫu giáo; Phần 4. Điều kiện thực hiện chương trình; Phần 5. Hướng dẫn thực hiện chương trình.
Đại biểu thảo luận tại hội trường
Ý kiến góp ý của các đại biểu được Ban biên soạn tiếp thu, giải trình và điều chỉnh Dự thảo để đưa vào thí điểm ở 20 tỉnh thành trên toàn quốc trong vòng 03 năm từ năm 2024.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam