Hội thảo khoa học quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục hòa nhập chất lượng và cơ hội học tập suốt đời của người khuyết tật” (ngày thứ hai)

12/12/2023 11:12 GMT+7
Ngày 08/12/2023, tại Khách sạn La Thành - Hà Nội, Hội thảo khoa học quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục hòa nhập chất lượng và cơ hội học tập suốt đời của người khuyết tật” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Tổ chức Angels’ Haven thực hiện, tiếp tục ngày làm việc thứ hai.

 
Phiên Chuyên đề 3 “Định hướng phát triển hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam” với sự điều hành của TS. Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT Việt Nam, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, và TS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, gồm 02 bài tham luận.
 
 
Tham luận “Thực trạng giáo dục trẻ khuyết tật tại Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Kim Hoa - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Báo cáo đưa ra thực trạng giáo dục trẻ khuyết tật tại Việt Nam, thực trang cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, những đóng góp và hạn chế của mạng lưới cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật.
 
 
Tham luận “Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập thời kỳ 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” do GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Ông nêu lên các nội dung về phạm vi và đối tượng, quan điểm phát triển, mục tiêu, phương án phát triển và giải pháp. 07 nhóm giải pháp được đề xuất, gồm: Giải pháp về pháp luật, cơ chế, chính sách; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; Giải pháp về liên kết hợp tác quốc tế; Giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; Giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động; và Giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.
 
TS. Tạ Ngọc Trí điều hành phần thảo luận và các đại biểu là các chuyên gia, nhà quản lý, giảng viên, giáo viên và phụ huynh đại diện các tổ chức của/vì người khuyết tật, cơ sở giáo dục các cấp đã sôi nổi đóng góp nhiều ý kiến xác đáng cho dự thảo quy hoạch.
 
 
Phiên Chuyên đề 4 “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giáo dục đối với người khuyết tật trong bối cảnh chuyển đổi số” với sự điều hành của GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Học viện Quản lý Giáo dục, và PGS.TS. Nguyễn Đức Minh - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, gồm 03 tham luận.
 
 
Tham luận “Phát triển nguồn nhân lực giáo dục đặc biệt bài học từ Malaysia” do GS. Yasmin Binti Hussain - Đại học City, Malaysia trình bày. Một số kinh nghiệm được đưa ra, gồm: các khóa học học ngắn hạn với các bộ ngành khác, nghiên cứu quy chuẩn mới đối với giáo viên giáo dục đặc biệt, cập nhật dữ liệu về số lượng giáo viên giáo dục đặc biệt theo các bang ở Malaysia, cập nhật số liệu học sinh khuyết tật, cập nhật số liệu về sinh viên ngành giáo dục đặc biệt, trao đổi giáo viên giữa các trường, các bang,…
  
 
 
Tham luận “Xu hướng phát triển đào tạo nguồn nhân lực ngành Giáo dục Đặc biệt trong thời đại hiện nay - Thực trạng Việt Nam và bài học kinh nghiệm quốc tế” do TS. Đinh Nguyễn Trang Thu - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày. Một số giải pháp về đảm bảo chất lượng đào tạo được đề xuất, như: Không ngừng cải tiến chất lượng đào tạo trên cơ sở đổi mới chương trình, nội dung giáo dục, phương pháp dạy học và tạo điều kiện tốt nhất cho người học; Phân tích và xây dựng kế hoạch cụ thể để khắc phục những điểm tồn tại đã chỉ ra trong quá trình tự đánh giá và đánh giá ngoài;…
 
 
Tham luận “Phụ huynh - nhân lực quan trọng góp phần nâng cao chất lượng can thiệp và giáo dục trẻ khuyết tật” do PGS.TS. Noraini Zainal Abidin - Đại học City, Malaysia trình bày. Đây là một câu chuyện truyền cảm hứng có thật về một thanh niên bại não, với sự hỗ trợ của gia đình đã từng bước hòa nhập và trở thành một thành viên hữu ích, độc lập của cộng đồng
 
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh một lần gửi lời cảm ơn tới các cá nhân, đơn vị đã đồng hành với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia trong thời gian vừa qua, không chỉ trong phạm vi hội thảo này mà còn rất nhiều các hoạt động khác; gửi lời cảm ơn tới toàn thể quý vị đại biểu đã dành thời gian, tâm huyết cho Hội thảo có ý nghĩa này.
Chính sách, các điều kiện đảm bảo, nguồn nhân lực, sự tham gia của các bên liên quan để đảm bảo giáo dục chất lượng
 
Hai ngày làm việc của Hội thảo đã kết thúc tốt đẹp, mở ra nhiều định hướng nghiên cứu và hợp tác trong thời gian tới giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và các đối tác trong và ngoài nước để góp phần đảm bảo giáo dục hòa nhập chất lượng và cơ hội học tập suốt đời cho người khuyết tật.
 
Tin bài: Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam
Ảnh: Trung tâm Giáo dục đặc biệt Quốc gia