Hội thảo quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục”
Ngày 14/3/2024, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN) phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam (NATCOM) tổ chức Hội thảo quốc tế “Hướng tới một nền giáo dục có chất lượng dưới góc nhìn từ lập kế hoạch chiến lược giáo dục và đảm bảo công bằng trong giáo dục” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia thảo luận về các vấn đề liên quan đến: (1) Công bằng giáo dục - vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện; (2) Các bước xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục hướng tới công bằng giáo dục; (3) Vai trò của kế hoạch chiến lược giáo dục và thực hiện chính sách công bằng nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục; (4) Kinh nghiệm và thực tiễn về công bằng trong hoạch định chính sách giáo dục; (5) Kế hoạch chiến lược giáo dục ở các nước và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Tham dự Hội thảo, có sự hiện diện của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng; bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO - Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam cùng các chuyên gia giáo dục; GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Viện. Ngoài ra, các đại biểu tham dự là các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục và các bên liên quan đến từ Ban Tuyên giáo TW, Văn phòng Chính phủ, các viện nghiên cứu và trường đại học, các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGOs trong nước và quốc tế, các đại sứ quán, và các tổ chức của/vì người khuyết tật. Ước tính có khoảng 80 đại biểu trực tiếp và 300 đại biểu trực tuyến.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các vị khách quý tới tham dự Hội thảo. Hoạt động này nằm trong chuỗi các hoạt động phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 20245. Công bằng giáo dục và lập kế hoạch chiến lược giáo dục có mối quan hệ tương hỗ, thúc đẩy nền giáo dục phát triển; một mặt, đảm bảo quyền và thực hiện quyền bình đẳng trong giáo dục cho tất cả mọi người, hướng đến xây dựng xã hội học tập; một mặt, nâng cao và thúc đẩy nguồn nhân lực có chất lượng thông qua kế hoạch giáo dục được thể hiện chi tiết bằng những hành động cụ thể. Ông cũng hy vọng tại Hội thảo này, với việc chia sẻ những kinh nghiệm của chuyên gia quốc tế, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, từ tình hình thực tiễn của Việt Nam, các quý vị đại biểu sẽ thảo luận và đưa ra các ý tưởng, các kiến nghị, đóng góp thiết thực cho việc hoàn thiện Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Bà Lê Thị Hồng Vân, Quyền Vụ trưởng Vụ Ngoại giao văn hoá và UNESCO - Bộ Ngoại giao, Tổng Thư ký Uỷ ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có bài phát biểu chào mừng Hội thảo. Bà bày tỏ sự tin tưởng rằng kết quả của hội thảo là sự đóng góp quan trọng đối với nỗ lực chung nhằm thúc đẩy chuyển đổi giáo dục, đảm bảo nền giáo dục công bằng, chất lượng, không để ai bị bỏ lại phía sau, đóng góp vào tương lai phát triển, hòa bình, bền vững của quốc gia.
Trong bài phát biểu chào mừng, ông Jonathan Baker, Trưởng đại diện UNESCO Việt Nam nhấn mạnh rằng đến nay, chúng ta đã đi được nửa chặng đường của Chương trình nghị sự 2030 và Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc (SDG4), bên cạnh những thành tựu đáng khích lệ vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo một nền giáo dục công bằng và hòa nhập, cũng như cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau; mọi hệ thống giáo dục cần phải phấn đấu vì sự công bằng, hòa nhập và chất lượng.
Tiếp theo Chương trình hội thảo, Phiên 1 “Xây dựng kế hoạch chiến lược giáo dục hướng tới công bằng giáo dục” diễn ra với sự điều phối của bà Miki Nozawa - Trưởng Chương trình Giáo dục UNESCO Việt Nam và GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN.
Bài tham luận “Công bằng, hòa nhập và bình đẳng giới hướng tới chuyển đổi hệ thống giáo dục” do ông Nyi Nyi Thaung - Chuyên gia chương trình, Văn phòng Giáo dục Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, Bangkok, Thái Lan trình bày. Một số giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho trẻ em gái và phụ nữ trong và thông qua giáo dục, gồm: Đảm bảo bình đẳng giới và không phân biệt đối xử ở mọi cấp độ và mọi môn học, Đảm bảo không gian học tập an toàn, chuyển đổi giới và hòa nhập, Hỗ trợ sự hợp tác phối hợp, liên ngành và liên thế hệ, Đầu tư vào các biện pháp can thiệp tập trung nhằm hỗ trợ các bé gái thiệt thòi tiếp cận 12 năm giáo dục an toàn và chất lượng, và thúc đẩy các lộ trình giáo dục bình đẳng,…
Bài tham luận “Tư duy tương lai về lập kế hoạch chiến lược giáo dục: một chiến lược thiết yếu cho giáo dục công bằng và chất lượng” do TS. Sherlyne Acosta, Chuyên gia giáo dục cao cấp của SEAMEO INNOTECH trình bày. Nội dung trọng tâm hướng tới các vấn đề: Tại sao tư duy tương lai lại quan trọng trong việc lập kế hoạch chiến lược giáo dục? Hệ thống giáo dục & động lực chính sách; Các yếu tố ảnh hưởng trong lập kế hoạch chiến lược.
Trong phần thảo luận, Hội thảo đã nghe nhiều ý kiến trao đổi từ đại diện của Ban chỉ đạo Giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn - Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT, các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước liên quan đến thực trạng và chính sách thúc đẩy công bằng và hòa nhập trong giáo dục.
Chương trình làm việc buổi chiều là Phiên 2 “Nền giáo dục công bằng - vai trò của các bên liên quan trong quá trình thực hiện” do GS.TS. Nguyễn Hữu Châu - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện KHGDVN điều hành.
Mở đầu là bài trình bày “Vai trò của giáo dục người lớn trong việc thúc đẩy học tập suốt đời và đảm bảo công bằng và hoà nhập” của TS. Christoph Jost - Giám đốc DVV khu vực Đông Nam Á. Bằng cách thúc đẩy sự công bằng và hòa nhập thông qua học tập và giáo dục dành cho người lớn, có thể tạo ra một xã hội công bằng, hòa nhập và bình đẳng hơn, nơi mọi người đều có cơ hội học hỏi, phát triển và đóng góp tối đa tiềm năng của mình. Nó thúc đẩy sự gắn kết xã hội, thúc đẩy sự đa dạng và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình theo đuổi kiến thức và phát triển cá nhân.
Tiếp theo là tham luận “Triển khai Quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 - Giải pháp thực hiện công bằng giáo dục đối với người khuyết tật Việt Nam” do TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Báo cáo chỉ ra thực trạng Thực trạng giáo dục người khuyết tật; Định hướng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục dành đối với người khuyết tật thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; và Giải pháp thực hiện quy hoạch.
Tham luận “Công bằng xã hội trong giáo dục, mục tiêu phát triển bền vững” do TS. Trịnh Thị Anh Hoa, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày. Báo cáo gồm các nội dung chính liên quan đến công bằng xã hội trong giáo dục đối với phát triển con người và phát triển bền vững đất nước, cam kết và chính sách công bằng xã hội trong giáo dục, kết quả thực hiện, cơ hội và thách thức, những định hướng chiến lược.
Trong báo cáo “Hỗ trợ tiếp cận giáo dục hoà nhập có chất lượng cho trẻ khuyết tật tại địa bàn dân tộc thiểu số - Kinh nghiệm thực tiễn từ dự án của ChildFund”, bà Tôn Thị Tâm - Chuyên gia giáo dục, ChildFund Việt Nam chia sẻ những giải pháp để hỗ trợ trẻ khuyết tật sống trong môi trường hòa nhập và tiếp cận nền giáo dục có chất lượng, trẻ khuyết tật được chơi, học và chăm sóc tại gia đình, nhà trường và cộng đồng.
Tham luận “Cách tiếp cận công bằng và bình đẳng trong các chương trình hỗ trợ giáo dục của Room to Read” của bà Nguyễn Diệu Nương, Giám đốc Văn phòng Quốc gia chia sẻ những chiến lược tiếp cận công bằng và hòa nhập trong giáo dục tiểu học, gồm: Tôn trọng ngôn ngữ và văn hóa dân tộc thiểu số; Điều chỉnh, bổ sung để đảm bảo khả năng tiếp cận và phù hợp; Hướng tới nhu cầu của trẻ em khuyết tật; Nâng cao năng lực giáo viên, nhân viên thư viện, cha mẹ học sinh; Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua giáo dục cho nữ sinh;…
Các đại biểu thảo luận tại hội trường
Các đại biểu và các diễn giả hỏi - đáp và thảo luận ý kiến liên quan đến các giải pháp đảm bảo đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và nhân viên hỗ trợ người khuyết tật, trao quyền và tăng cường năng lực của các tổ chức của/vì người khuyết tật, những ảnh hưởng của AI và công nghệ mới tới chính sách giáo dục trong tương lai,…
Phát biểu bế mạc Hội thảo, PGS.TS. Mai Văn Trinh - Phó Viện trưởng Viện KHGDVN trân trọng cảm ơn đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức NGOs, các tổ chức dân sự xã hội, các chuyên gia và các nhà giáo dục đã quan tâm, tham dự và chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm hữu ích tại Hội thảo này. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn các tổ chức và cá nhân quan tâm sẽ tiếp tục đồng hành với các nhà khoa học Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược giáo dục và thúc đẩy sự đảm bảo công bằng và hòa nhập trong giáo dục của Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam