Tập huấn Tổ chức dạy học môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học theo Chiến lược 6C, khu vực miền Nam (Đợt 1)

10/08/2024 22:43 GMT+7
Ngày 08-09/08/2024, tại Đồng Nai, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức tập huấn hướng dẫn vận dụng lồng ghép Chiến lược 6C vào dạy học môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học cho 08 tỉnh thuộc khu vực miền Nam Việt Nam bao gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đây là đợt tập huấn thứ nhất thuộc chuỗi tập huấn khu vực miền Nam trong khuôn khổ hợp tác “Phát triển Giáo dục thể chất trong nhà trường Tiểu học ở Việt Nam” giữa Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam với Tập đoàn NIKE, giai đoạn 2022-2025.
 
Tham dự đợt tập huấn có GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN; Ông Hà Văn Quỳnh - Phó Giám đốc TTGDPTQG, Viện KHGDVN; Ông Vũ Văn Minh - Phó Trưởng phòng GDPT và GDTX, Sở GD&ĐT Đồng Nai; Bà Nguyễn Thị Hảo, Chuyên viên Đối ngoại - Điều phối Chương trình của NIKE Việt Nam; Đại diện lãnh đạo, cán bộ quản lí cấp Sở và 92 giáo viên cốt cán môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học của 08 Sở giáo dục và Đào tạo trong diện tập huấn; Đại diện Công ty cổ phần truyền thông Danson Solutions và đội ngũ chuyên gia Giáo dục thể chất, Viện KHGDVN.
 
Phát biểu trong buổi khai mạc, GS.TS Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn sự có mặt của các lãnh đạo, cán bộ quản lí, các thầy cô giáo đến từ 08 Sở giáo dục và Đào tạo. Ông nhấn mạnh vai trò, vị trí và tầm quan trọng của môn Giáo dục thể chất đối với học sinh tiểu học trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời cho rằng môn Giáo dục thể chất không chỉ đơn giản là vận động, là luyện tập và hoàn thành các yêu cầu về thành tích mà còn hướng nhiều hơn đến mục đích đầu ra của việc giáo dục vận động nhằm phát huy khả năng tự rèn luyện, nâng cao sức khỏe bản thân, đồng thời giúp học sinh có thói quen thường xuyên tham gia tập luyện thể thao, tạo nền tảng về thể chất, qua đó góp phần phát triển toàn diện cho học sinh. Ông cũng khẳng định sự phù hợp của Chiến lược 6C với mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, phương pháp hình thức tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá ở môn Giáo dục thể chất cấp tiểu học trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Ông mong muốn các thầy, cô sẽ có một cách nhìn mới, cách tiếp cận mới trong tổ chức các hoạt động dạy học môn học, đảm bảo hiệu quả của việc triển khai chương trình GDPT 2018 cũng như nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trong các nhà trường.
 

GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện KHGDVN phát biểu khai mạc
 
Các đại biểu tham dự cũng nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của môn Giáo dục thể chất trong nhà trường tiểu học hiện nay, đánh giá cao hoạt động này của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, đã giúp các thầy, cô có cơ hội tiếp cận các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên trong tổ chức dạy học môn học, góp phần hoàn thành mục tiêu chương trình môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
 
 
Ông Vũ Văn Minh - Phó Trưởng phòng GDPT và GDTX, Sở GD&ĐT Đồng Nai phát biểu
 
Đợt tập huấn diễn ra trong 02 ngày, nội dung tập huấn bao gồm các hoạt động trao đổi, chia sẻ, hoạt động nhóm trên lớp học. Các học viên được giới thiệu, hướng dẫn cách thức xây dựng kế hoạch bài dạy, lựa chọn trò chơi vận động và tổ chức dạy học môn học theo Chiến lược 6C. Bên cạnh các hoạt động tập huấn lí thuyết, các học viên sẽ được thực hành thông qua tổ chức các giờ học với đối tượng giáo viên và học sinh tại thực địa với sự hướng dẫn và hỗ trợ của các chuyên gia Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.
 
 
Các đại biểu tham gia chụp ảnh kỷ niệm
 
Sau đợt tập huấn này, chiến lược 6C tiếp tục được phổ biến, lan tỏa và mở rộng đến toàn bộ các nhà trường, đến giáo viên môn GDTC cấp tiểu học ở tất cả các địa phương đã được tập huấn, qua đó giúp giáo viên thay đổi cách tiếp cận dạy học môn học, đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học nhằm đạt được mục tiêu chương trình môn học cũng như nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học trong giai đoạn hiện nay.
 
Một số hình ảnh trong đợt tập huấn:
 

 

 

 

 

  

 

 

 
  
Tin bài và ảnh: Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia