Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh
Sáng ngày 29/11/2024, tại Hội trường tầng 5, trụ sở số 4 Trịnh Hoài Đức - Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đề án Ngoại ngữ Quốc gia tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy Toán học, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Hội thảo được tổ chức nhằm công bố kết quả nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu Toán, Khoa học lớp 4 và lớp 7, và Sinh học lớp 10 giảng dạy bằng tiếng Anh. Các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, thầy cô giáo và nhóm nghiên cứu cùng nhau thảo luận, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về việc phát triển học liệu dạy học các môn Khoa học, Toán học bằng tiếng Anh ở Việt Nam; bước đầu đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm phát triển học liệu phù hợp với điều kiện và yêu cầu của các trường phổ thông tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, GS.TS. Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhiệt liệt chào mừng các quý vị đại biểu, các vị khách quý tới tham dự Hội thảo có ý nghĩa này. Ông nhấn mạnh tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12 tháng 8 năm 2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã nêu rõ “Các cấp đẩy mạnh hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giai đoạn mới; tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”. Việc xây dựng nguồn tài nguyên học tập kĩ thuật số để giảng dạy môn Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh cũng góp phần giúp nền giáo dục Việt Nam tăng khả năng bắt kịp xu hướng học tập của thế giới.
Phiên thứ nhất gồm 03 bài tham luận. Đầu tiên, TS. Hà Thị Thúy - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày “Báo cáo nghiên cứu xây dựng thử nghiệm học liệu dạy Toán, Khoa học, Sinh học bằng tiếng Anh”. Nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp, gồm: Rà soát và hoàn thiện văn bản pháp lý về học liệu số; Xây dựng cơ chế tài chính khuyến khích phát triển học liệu số; Chương trình bồi dưỡng cho giáo viên dạy môn Khoa học, Toán bằng tiếng Anh; Xây dựng kho học liệu số phục vụ dạy Toán, Khoa học bằng tiếng Anh; Phát triển khoa học liệu số dùng chung quốc gia.
Tham luận “Tài nguyên số dạy và học các môn Toán và Khoa học của tổ chức Cambridge” do ông Melvyng Lim - Giám đốc cấp cao của Hội đồng khảo thí Cambridge tại Việt Nam” trình bày. Ông giới thiệu kho tài nguyên số dành cho các trường tiểu học và trung học thực hiện chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh của Cambridge, bao gồm: khung chương trình, ma trận yêu cầu cần đạt, hướng dẫn dành cho giáo viên, kế hoạch thực hiện, hướng dẫn đánh giá, các nguồn học liệu liên kết.
Tham luận “Dạy và học các môn Toán, Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh” do ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT trình bày. Ông đã phân tích những thành tựu đạt được của Việt Nam trong thời gian qua, như: xây dựng tài liệu hướng dẫn dạy Toán và Khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, thành tích của học sinh Việt Nam trong các kì thi SAT, ACT, A-level,… Ngoài ra, ông cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức cần khắc phục: năng lực ngoại ngữ của giáo viên và học sinh, chế độ đãi ngộ, và nguồn tài liệu.
Phiên thảo luận bàn tròn về phát triển học liệu dạy và học các môn học khác bằng tiếng Anh với sự điều hành của ông Đỗ Đức Lân - Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế, có sự tham gia của các diễn giả: ông Tạ Ngọc Trí - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT, ông Đặng Đình Long - Tổng Hiệu trưởng trường Delta Global School, ông Kiều Huy Hòa - Giám đốc Chương trình Khan Academy Vietnam - Tổ chức The Vietnam Foundation, ông Melvyn Lim - Giám đốc cấp cao của Hội đồng khảo thí Cambridge tại Việt Nam. Các vấn đề trọng tâm được bàn luận liên quan đến các yếu tố, điều kiện để đảm bảo, hiện thực hóa và thực hiện có hiệu quả việc dạy và học bằng tiếng Anh.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Mai Hữu - Trưởng ban Ban quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia nhấn mạnh vai trò của việc tăng cường dạy và học bằng tiếng Anh trong nhà trường phổ thông. Những lý do chính được đưa ra, gồm: Kho tri thức lớn nhất của nhân loại được lưu trữ bằng tiếng Anh; Sự phát triển của công nghệ thông tin bao gồm cả AI cũng dùng ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Anh; Để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thì tiếng Anh không chỉ là ngôn ngữ giảng dạy mà còn cần được sử dụng trong đời sống và việc làm hằng ngày.
Đại biểu tham dự hội thảo
Thay mặt nhóm nghiên cứu, GS-Viện trưởng Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn tới Đề án Ngoại ngữ Quốc gia đã hỗ trợ thực hiện nghiên cứu này, tới các nhà trường, cán bộ quản lý và giáo viên đã tham gia trong quá trình thử nghiệm học liệu. Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu và hoàn thiện báo cáo tổng kết.
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam
Các tin bài liên quan đến Hội thảo: