GS. Hồ Ngọc Đại - Điều quan trọng là dạy học sinh trở thành người lương thiện và hạnh phúc

29/11/2021 22:52 GMT+7
GS. Hồ Ngọc Đại sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống khoa cử. Năm 1968, ông theo học ngành Tâm lý học tại Liên Xô, trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Năm 1976, ông hoàn thành luận án Tiến sĩ khoa học về Những vấn đề tâm lý trong giảng dạy Toán học cho học sinh cấp 1. Năm 1978, ông sáng lập ra Trung tâm Công nghệ Giáo dục để tiến hành thực nghiệm công nghệ giáo dục, công nghệ phát triển con người cả về lý thuyết lẫn thực tiễn.

 
  
Mỗi lần bàn luận đến chuyện đổi mới giáo dục, cải cách giáo dục hay những chuyện tương tự, GS. Hồ Ngọc Đại thường được nhắc đến với lối giáo dục mới rất “khác người”. Khi ông lập ra trường thực nghiệm, có rất nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có rất nhiều ý kiến phản đối. Người ủng hộ coi đó là cách giáo dục hiện đại, nhưng những người phản đối lại nói rằng con người, nhất là các em nhỏ có phải là “đồ vật” đâu mà mang ra “thực nghiệm”. Sách giáo khoa công nghệ giáo dục môn Tiếng Việt cũng từng dấy lên một cuộc tranh luận lớn của xã hội, tốn không ít giấy mực của báo chí. “Khi tôi đưa các bài toán về đại số vốn được dạy cho sinh viên đại học xuống dạy cho học sinh lớp 1, người ta bảo tôi muốn làm cho trẻ em loạn trí à? Thế mà trẻ em lớp 1 học được đấy!” Giọng ông đầy hào hứng khi nhắc đến chuyện này trong một lần chia sẻ.
  
Khi được hỏi về ba mình, con trai duy nhất của GS. Hồ Ngọc Đại, cũng là thế hệ học sinh Thực nghiệm đầu tiên đã phát biểu “Triết lý giáo dục của ba tôi là không tạo áp lực cho trẻ nhỏ và để chúng trở thành chính mình. Tôi không những là con trai ông mà còn là một trong những khoá học sinh đầu tiên của trường thực nghiệm, nên chẳng có gì ngạc nhiên khi ba tôi áp dụng điều đó lên cuộc đời tôi một cách triệt để”. Lời của người cha, người thầy căn dặn con trai mình: “Dù gia đình mình có thế nào, thì ba cũng không muốn con bị áp lực bởi những điều đó. Ba chỉ mong con trở thành một người lương thiện và hạnh phúc”.
  
Khi nhắc đến GS. Hồ Ngọc Đại và trường thực nghiệm, chắc hẳn trong chúng ta sẽ nhiều người liên tưởng đến thầy hiệu trưởng Kobayashi của trường Tomoe trong cuốn sách “Totto-chan cô bé ngồi bên cửa sổ”. Thầy Kobayashi có thật nhiều điểm tương đồng với thầy Hồ Ngọc Đại, về cách giáo dục và yêu thương trẻ nhỏ, tôn trọng sự sáng tạo, tâm hồn cởi mở của các em, và cả một ngôi trường mà các thầy lấy những quan điểm đó làm chân lý để dạy học. Chính các thầy là những câu chuyện, những con người đã luôn tìm cách để thay đổi, để khiến cuộc sống xung quanh mình tốt đẹp hơn từ đúng những gì mà họ tin tưởng. Sự khác biệt, sự thay đổi xứng đáng được nhìn nhận một cách trân trọng, bởi rất có thể nó sẽ góp phần trong dòng chảy mới mẻ đang giúp cuộc sống này trở nên tốt đẹp hơn, dù ít hay nhiều.
   
Giờ đã ở tuổi ngoài 80, là tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông vẫn tràn đầy nhiệt huyết với công nghệ giáo dục. Ông là thầy giáo của rất nhiều thế hệ thầy cô giáo vẫn đang “giữ lửa” với nghề, vẫn ngày ngày vừa truyền thụ kiến thức vừa đồng hành với học sinh để các em luôn mong đợi “Mỗi ngày đến trường náo nức một ngày vui”.
  
Nhân kỉ niệm 60 năm thành lập Viện KHGDVN, tháng 12 năm 2021.