Khảo sát hiện trạng giảng dạy về bảo vệ môi trường, đại dương, khu dự trữ sinh quyển và phát triển bền vững cho học sinh

14/10/2024 16:00 GMT+7
Trong hai đợt khảo sát vào tháng 9 và tháng 10, nhóm chuyên gia nghiên cứu của Viện đã khảo sát hiện trạng giảng dạy về bảo vệ môi trường, đại dương, khu dự trữ sinh quyển và phát triển bền vững cho học sinh tại hai khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận là rừng ngập mặn Cần Giờ (huyện Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh) và Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – (thành phố Hội An, Quảng Nam). Đây là hoạt động thuộc dự án “Bảo tồn Đại dương của chúng ta: Xây dựng mối quan hệ lành mạnh với Đại dương tại Đông Nam Á thông qua giáo dục vì sự phát triển bền vững” của UNESCO phối hợp cùng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam KHGD Việt Nam,

Mục đích của hoạt động này nhằm tìm hiểu thực trạng giáo dục bảo tồn biển và đại dương, với mục tiêu nâng cao nhận thức về giáo dục đại dương cho các bên liên quan, bao gồm cả các tổ chức quản lý và giáo dục, qua đó góp phần bảo vệ tài nguyên biển và xây dựng mối quan hệ hài hòa, bền vững với đại dương.
 
Trong hai đợt khảo sát, nhóm chuyên gia đã nhận được sự phối hợp làm việc của đại diện Hạt kiểm lâm huyện Cần Giờ, Ban Quản lý Khu Dự trữ Sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Khu Dự trữ Sinh quyển Cù Lao Chàm, đại diện UBND các huyện, thành phố, cùng các Phòng Giáo dục và Đào tạo tại địa phương. Tại các buổi khảo sát, đoàn công tác cùng các bên đã chia sẻ và thảo luận sâu về giáo dục thực trạng bảo tồn tại các khu dự trữ sinh quyển; công tác quản lý và phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các ban ngành đoàn thể liên quan tại cộng đồng nhằm hướng đến việc giáo dục bảo vệ và giữ gìn môi trường biển tại các khu vực trọng điểm này.
 

Nhóm chuyên gia nghiên cứu làm việc với BQL Khu dự trữ sinh quyển Rừng ngập mặn Cần Giờ, Hồ Chí Minh
 

Nhóm chuyên gia nghiên cứu làm việc với BQL Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm, Hội An
 
Bên cạnh đó, việc thu thập ý kiến từ các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn giúp hoạt động có một cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về các hoạt động giáo dục bảo tồn biển ở nhà trường. Nhóm chuyên gia đã làm việc trực tiếp với ban giám hiệu nhà trường, và giáo viên để lắng nghe ý kiến cũng như chia sẻ kinh nghiệm trong công tác giảng dạy về giáo dục môi trường và bảo tồn biển. Đồng thời, các em học sinh cũng đã được tham gia vào quá trình thảo luận, giúp nhóm nghiên cứu có cái nhìn cụ thể hơn về nhận thức và hiểu biết của các em về những vấn đề môi trường mà các em đang được học tập tại nhà trường.
 

Nhóm nghiên cứu làm việc với Trường Tiểu học Cẩm Thanh, thành phố Hội An
 

Nhóm nghiên cứu làm việc với học sinh trường TH Cẩm Thanh, thành phố Hội An, Quảng Nam
 

Nhóm nghiên cứu làm việc với học sinh trường THCS Cần Thạnh, Huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh
 
Kết thúc chuyến công tác, nhóm nghiên cứu đã thu thập ý kiến từ các bên liên quan về giáo dục bảo tồn biển, vai trò hợp tác, mức độ tích hợp kiến thức giảm thiểu rác thải vào chương trình giảng dạy, cũng như khả năng tiếp cận các tài liệu về bảo tồn đại dương và các vấn đề liên quan.
 
Tin bài và ảnh: Phòng Quản lý khoa học, Đào tạo và Hợp tác quốc tế