Trong những năm qua, Viện đã triển khai thực hiện nhiều đề tài khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp Viện cũng như nhiều nhiệm vụ chính trị quan trọng thông qua hệ thống các dự án, đề án trong chương trình mục tiêu quốc gia về GD&ĐT, các dự án quốc tế và nhiều hoạt động khoa học và công nghệ khác.
Năm 2008, Viện đã tổ chức nghiệm thu 31 đề tài khoa học các cấp, trong đó:
- Giáo dục mầm non (4 đề tài: 2 cấp Bộ, 2 cấp Viện) với các hướng nghiên cứu về giải pháp chuyển đổi loại hình trường mầm non bán công sang các loại trường theo Luật Giáo dục 2005; Xác định các kĩ năng nghề của giáo viên mầm non đáp ứng với đổi mới của giáo dục mầm non; Xây dựng bài tập phát triển giao tiếp tổng thể cho trẻ tự kỷ tuổi mầm non (24 – 36 tháng); và Biện pháp tổ chức vận động theo nhạc cho trẻ mẫu giáo lớn (5-6 tuổi) trên hoạt động có chủ định trong trường mầm non.
- Giáo dục phổ thông (11 đề tài: 01 cấp Bộ trọng điểm, 7 cấp Bộ và 3 cấp Viện). Các đề tài nghiên cứu tập trung vào các vấn đề đang được quan tâm hiện nay như: Các giải pháp nhằm giảm thiểu học sinh bỏ học ở cấp tiểu học; Giải pháp bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục trung học cở sở đối với vùng khó khăn; So sánh chương trình giáo dục phổ thông môn ngoại ngữ của một số nước trên thế giới và đề xuất những định hướng phát triển chương trình dạy học ngoại ngữ ở nước ta; Nghiên cứu chi phí giáo dục cho cấp trung học cơ sở; Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển học liệu trong trường phổ thông; Nghiên cứu thực trạng thái độ học tập của học sinh trung học cơ sở; Tìm hiểu về văn hóa nhà trường phổ thông....
- Giáo dục trung cấp chuyên nghiệp và đại học (8 đề tài: 7 đề tài cấp Bộ, 01 cấp Viện) với các nghiên cứu về Đổi mới hệ thống tổ chức trường đại học Việt Nam theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm xã hội; Nghiên cứu mối quan hệ giữa tính tự chủ và tính trách nhiệm trong quản lý đào tạo và nghiên cứu khoa học tại các trường đại học hiện nay; Nghiên cứu quản lý tài chính giáo dục đại học của một số nước trên thế giới; Cơ sở khoa học của việc phát triển chương trình trung cấp chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; Nghiên cứu xây dựng chuẩn nghề nghiệp cán bộ quản lý trung học chuyên nghiệp; Xây dựng đề án triển khai thí điểm đào tạo một số chương trình, giáo trình tiến tiến, hiện đại thuộc các ngành khoa học tự nhiên, kĩ thuật-công nghệ và quản lí kinh tế đang được giảng dạy ở các trường đại học nước ngoài phù hợp với yêu cầu phát triển của Việt Nam và Nghiên cứu thực trạng một số trường cao đẳng mới được nâng cấp từ trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn Hà nội.
- Giáo dục không chính qui (01 đề tài cấp Bộ) về Định hướng phát triển giáo dục không chính qui trong giai đoạn mới.
- Giáo dục chuyên biệt (01 đề tài cấp Bộ, 01 cấp Viện) với các vấn đề nghiên cứu về Đánh giá nhu cầu giáo dục của trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và Tổng quan sử dụng tiếng dân tộc thiểu số trong giáo dục ở một số nước trên thế giới.
- Các vấn đề khác trong giáo dục (5 đề tài: 01 cấp Bộ trọng điểm, 2 cấp Bộ, 01 nhiệm vụ nghiên cứu và 01 đề tài cấp Viện) bao quát các hướng nghiên cứu về: Lịch sử trường học sinh miền nam trên đất Bắc (1954-1975); Kinh nghiệm phát triển giáo dục và đào tạo, KH&CN gắn với xây dựng đội ngũ tri thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH của một số nước; Xây dựng hệ thống chỉ số cơ bản của giáo dục Việt Nam; Đa dạng hóa hình thức và nội dung sản phẩm thông tin phù hợp với các nhóm nhu cầu tin khác nhau tại Viện Chiến lược và Chương trình Giáo dục.
Ấn phẩm “Tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ năm 2008” do Trung tâm Thông tin - Thư viện biện soạn từ các báo cáo tổng kết và tóm tắt đề tài sau nghiệm thu chính thức do Viện tổ chức. Việc biên soạn có sự phối hợp và cộng tác chặt chẽ của các chủ nhiệm đề tài, phòng Quản lý khoa học và sự chỉ đạo của Lãnh đạo Viện, đã phản ánh ngắn gọn các kết quả nghiên cứu về lý luận, thực tiễn, các giải pháp và kiến nghị của những đề tài nghiên cứu khoa học - công nghệ nói trên. Ấn phẩm này là một trong những tư liệu phản ánh thành tựu nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ khoa học trong Viện và các cộng tác viên khoa học thuộc các tổ chức nghiên cứu, quản lý và các trường học các cấp. Đây cũng là nguồn tư liệu bổ ích để tham khảo cho các nhà quản lý, cán bộ nghiên cứu giáo dục, các thày cô giáo các trường, các học viên sau đại học và đông đảo các đối tượng khác quan tâm tới lĩnh vực giáo dục và đào tạo.