Mối liên hệ giữa môi trường học tập kiến tạo và tư duy phản biện của sinh viên ngành kinh doanh
Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành [1] nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên khởi nghiệp thông qua đưa nội dung này vào chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học. Đến năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành [2] quy định học phần khởi nghiệp cho sinh viên là bắt buộc, hướng đến thúc đẩy các hoạt động khởi nghiệp của sinh viên. Do đó, trong bối cảnh đổi mới sáng tạo, vai trò của trường đại học ngày càng được chú trọng. Theo nghiên cứu của [3], mối liên hệ giữa môi trường học tập kiến tạo và năng lực tư duy đổi mới sáng tạo của sinh viên ngành kinh tế được khám phá.
Môi trường học tập kiến tạo (constructivist learning environment) được thiết kế dựa trên thuyết kiến tạo xã hội (social constructivism). Mô hình môi trường học tập kiến tạo được nhóm tác giả sử dụng trong nghiên cứu gồm năm thành phần: i) chia sẻ sự kiểm soát (shared control), ii) sự liên đới cá nhân (personal relevance), iii) sự bất định (uncertainty), iv) tiếng nói phản biện (critical voice), và v) sự trao đổi thông tin và quan điểm của sinh viên (student negotiation).
Nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích cấu trúc (structural equation modeling) nhằm xác định sự tác động của môi trường học tập kiến tạo đến tư duy phản biện của sinh viên. Trong đó, đối tượng khảo sát là 212 sinh viên ngành kinh tế của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Nhóm sinh viên được có tham gia học phần Dự án Kinh doanh, mô phỏng một hệ sinh thái kinh doanh thu nhỏ.
Kết quả phân tích cho thấy môi trường học tập kiến tạo có tác động trực tiếp đến năng lực tư duy phản biện của người học. Bên cạnh đó, môi trường học tập kiến tạo còn có một phần tác động gián tiếp đến năng lực tư duy phản biện thông qua sự ảnh hưởng đến mục tiêu học tập của người học. Có thể thấy, nghiên cứu này đã chỉ ra vai trò quan trọng của môi trường học tập kiến tạo đối với năng lực tư duy phản biện của sinh viên.
Tài liệu tham khảo
[1] Thủ tướng Chính phủ. (2017). Quyết định số 1665/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Thư viện pháp luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Quyet-dinh-1665-QD-TTg-2017-de-an-Ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-den-nam-2025-365846.aspx
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo. (2018). Quyết định số 1230/QĐ-BGDĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2015” của ngành giáo dục. Thư viện pháp luật. https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Quyet-dinh-1230-QD-BGDDT-2018-De-an-Ho-tro-hoc-sinh-sinh-vien-khoi-nghiep-378930.aspx
[3] Đỗ Thị Hải Ninh, Phạm Thanh Thuý Vy. (2021). Tác động của mô hình học tập kiến tạo đến năng lực tư duy đổi mới sáng tạo của sinh viên ngành Kinh doanh. Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam, 43, 6-11. http://vjes.vnies.edu.vn/sites/default/files/baiso02_so43.pdf