Các kỹ năng lao động cần thiết trong giáo dục trung học phổ thông: Ví dụ ở Châu Mỹ Latinh
Các kỹ năng lao động cần thiết trong giáo dục trung học phổ thông: Ví dụ ở Châu Mỹ Latinh; Sự lãng phí nhân lực tại Nam Phi: Nhu cầu tập trung đầu tư nhiều hơn vào các trường học sau phổ thông; Nghiên cứu trường hợp sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng tại Malaysia
1. Các kỹ năng lao động cần thiết trong giáo dục trung học phổ thông: Ví dụ ở Châu Mỹ Latinh
Claudia Jacinto – IIEP
Tại nhiều nước ở Châu Mỹ Latinh, giáo dục trung học phổ thông (THPT) gần đây đang tìm cách phát triển các kỹ năng chung và cụ thể cho giới trẻ nhằm mục đích chuẩn bị tốt hơn cho họ khi bước vào thế giới của công việc. Trong điều kiện cụ thể, cách tiếp cận mới có thể bao gồm:
- Thực tập: hầu hết tất cả các nước trong khu vực đều cung cấp các khóa thực tập hoặc chỗ làm thực tế trong giáo dục trung học kỹ thuật (kể cả ở các công ty tư nhân, các tổ chức công cộng, các tổ chức phi chính phủ hoặc các tổ chức xã hội). Brazin và Colombia đều kết hợp thực tập trong giáo dục THPT.
- Phát triển các kĩ năng trong kinh doanh: học sinh được học hỏi tất cả các bước của một chu trình sản xuất thực tế hoặc phân cấp quản lý. Tại Colombia, Luật quốc gia về Thúc đẩy Nền văn hóa kinh doanh đã thiết lập một dự án trong kinh doanh tại tất cả các cấp của giáo dục.
- Giáo dục, định hướng và tư vấn việc làm: điều này cung cấp các nguồn cho giới trẻ nhằm định hướng các quyết định của họ liên quan đến giáo dục và việc làm. Chilê đã cung cấp vốn đầu tư cho các kế hoạch giáo dục và định hướng việc làm tại các trường học.
- Liên kết với đào tạo nghề: học sinh có thể tham dự chương trình tổng thể trong giờ học chính khóa, giờ học ngoại khóa hoặc tham gia ở trung tâm đào tạo nghề. Các tiếp cận này được thúc đẩy tại Brazil và Colombia và là trọng tâm thí nghiệm tại Aghentina và Mêxicô.
Nhìn chung, những chiến lược quan tâm tới cách tiếp cận cung cấp kiến thức về cuộc sống tại nơi học sinh sẽ làm việc. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, và tác động của cách tiếp cận về con đường sự nghiệp và việc học của giới trẻ vẫn chưa được xác định rõ.
Có thể tham khảo thêm ấn phẩm của Viện kế hoạch giáo dục quốc tế (IIEP) gần đây: Những xu hướng mới trong Giáo dục kỹ thuật tại Châu Mỹ Latinh (Jacinto, Claudia, 2010, trang 206), bàn luận các xu hướng như việc kết hợp các kỹ năng nghề nghiệp trong giáo dục trung học phổ thông.
2. Sự lãng phí nhân lực tại Nam Phi: Nhu cầu tập trung đầu tư nhiều hơn vào các trường học sau phổ thông
Nico Cloete – Giám đốc Trung tâm Cải cách Giáo dục bậc cao
Năm 2007 tại Nam Phi, 2,8 triệu người trong độ tuổi 18 đến 24 (trên tổng số 48 triệu dân) được xác định là “không học tập, không có làm việc hoặc chưa được đào tạo”.[1] Gần như 1 triệu học sinh cần những cơ hội thứ hai để hoàn thành việc học, trong khi 800.000 em đã nhận được chứng nhận tốt nghiệp phổ thông để có thể bước vào một nền giáo dục và đào tạo cao hơn, và 1 triệu em đang tìm kiếm những công việc khác nhau, các cơ hội đào tạo và dịch vụ cho giới trẻ. Vấn đề này hầu như không tiến triển mấy kể từ cuộc khảo sát cuối cùng cho thấy con số ‘không học hành, không nghề nghiệp và chưa được đào tạo’ hiện giờ đã đạt mức 3,5 triệu người!
Vấn đề này không chỉ phản ánh một sự lãng phí đáng kể tài năng mà còn gây ra những khả năng đổ vỡ xã hội nghiêm trọng. Quả thật, một lượng lớn giới trẻ đã tham gia vào các cuộc biểu tình chống lại việc phân phối dịch vụ năm 2010.
Thiếu các cơ hội giáo dục
Gần như 1 triệu học sinh rời trường khi tốt nghiệp lớp 10 mà không phải lớp 12. Chúng đại diện cho một sự lãng phí lớn các nguồn tài nguyên giáo dục và dường như có ảnh hưởng lớn nhất tới tình trạng thất nghiệp. Rõ ràng chúng cần sự đa dạng các cơ hội học tập thứ hai, trong đó bao gồm việc mở rộng khu vực giáo dục bậc cao hơn, hay là giáo dục sau phổ thông.
Thậm chí còn đáng báo động hơn là hoàn cảnh của 750 nghìn học sinh đã tốt nghiệp lớp 12 nhưng lại không có khả năng nâng cao cơ hội học tập của mình. Nếu nói đến hiệu quả giáo dục, điều này đại diện cho “sự lãng phí đầu tư giáo dục” lớn và cơ hội bị bỏ lỡ. Lực lượng lao động Nam Phi và Tổ chức nghiên cứu phát triển nhận thấy cần tăng tỷ lệ đầu tư trở lại cho giáo dục sau phổ thông dưới bất kỳ hình thức nào.
Tìm kiếm các giải pháp khả thi
Nam Phi, cũng giống như phần lớn các nước Châu Phi vùng cận Sa-ha-ra, không có các trường học sau phổ thông liên kết với chương trình đào tạo và các doanh nghiệp. Loại hình trường này sẽ có khả năng đáp ứng cho các học sinh tốt nghiệp trung học, hệ thống giáo dục công hiện nay (với khoảng 800.000 chỉ tiêu tuyển sinh) và sẽ được nhân đôi trong thời gian tới để phù hợp với tình hình. Các trường sau phổ thông này không như các trường đại học, cao đẳng nhưng đáp ứng được nhu cầu học tiếp để tìm kiếm việc làm cho giới trẻ. Hiện tại hệ thống các trường đại học, cao đẳng không có đủ nguồn nhân lực và vật chất để đáp ứng số lượng lớn học sinh nhập học sau tốt nghiệp THPT.
Chính phủ cũng cần quan tâm tới sự phát triển trường học sau phổ thông tư nhân, bởi nhà nước thiếu các nguồn lực công cho phát triển hệ thống giáo dục đáp ứng được toàn bộ nhu cầu học tập và đào tạo của xã hội.
Cuối cùng, nên có một tổ chức giám sát 1 triệu giới trẻ - những người cần cơ hội được đào tạo ngắn hạn, thực tập, những chương trình làm việc và dịch vụ cho giới trẻ. Nhà nước cũng cần đưa ra câu trả lời đồng bộ về vấn đề này từ những cơ quan chính phủ có liên quan.
3. Nghiên cứu trường hợp sinh viên tốt nghiệp được tuyển dụng tại Malaysia
Năm 2007, có tổng số 168.880 sinh viên tốt nghiệp các trường đại học tại Malaysia. Năm 2008, 86.434 sinh viên tốt nghiệp với bằng cử nhân. Tuy vậy, một lượng lớn trong số họ vẫn thất nghiệp. Tỷ lệ những sinh viên mới tốt nghiệp tìm được việc làm giảm từ 31% năm 2006 xuống 24% năm 2008.
Những người tìm kiếm việc làm coi sự thiếu hụt công việc như một lý do của tình trạng thất nghiệp. Điều này mâu thuẫn với những người tuyển dụng khi họ đổ cho tình trạng thất nghiệp của những sinh viên đã tốt nghiệp là do sự thiếu hụt các kỹ năng và không đủ các năng lực cần thiết liên quan tới công việc.
Khi xem lại vai trò của trường đại học như là trung tâm của việc phát triển trí tuệ, sự sáng tạo, cung cấp nhân lực cho các khu công nghiệp, các trường đại học, ngược lại bị buộc tội là nhà cung cấp những người tốt nghiệp nhưng thất nghiệp.
Để đối phó với tình hình trên, Bộ Giáo dục đại học đã vận động sửa đổi chương trình giảng dạy nhằm giới thiệu các kỹ năng kinh doanh bao gồm quản lý kinh doanh nhỏ, các kỹ năng phân tích, làm việc nhóm và sự thành thạo tiếng Anh. Việc này được xem như một cuộc đấu tranh đầy khó khăn. Sinh viên tốt nghiệp và các học giả đều cho rằng, các trường đại học có thể tổ chức các chương trình ngoại khóa và các hoạt động nhằm giúp sinh viên nâng cao các kỹ năng xã hội và giao tiếp cá nhân, những kỹ năng này đều không thể dễ dàng dạy được trong nhà trường.
Tuy nhiên, mặc dù có sự đồng thuận lớn trong nhu cầu thay đổi “liên kết chương trình” thì trọng tâm và sự ưu tiên lại khác nhau. Những người tuyển dụng lao động thì muốn các trường đại học loại bỏ các môn học “không liên quan” và tập trung đào tạo sinh viên theo nhu cầu của nơi làm việc. Các học giả chỉ đồng ý một phần, và cảnh báo sự nguy hiểm của việc bỏ qua sự đóng góp quan trọng của các trường đại học đối với sự phát triển và thay đổi của chính trị, xã hội, văn hóa và cộng đồng.
Hơn nữa, trách nhiệm nuôi dưỡng những phẩm chất được xác định với “việc được tuyển dụng” phải gắn với toàn bộ hệ thống giáo dục, từ cấp mầm non tới đại học. Việc này kêu gọi một kế hoạch và sự sắp xếp tốt hơn giữa tất cả các nhà cung cấp giáo dục trong việc chuẩn bị và động viên giới trẻ trở thành những công dân có ích và có trách nhiệm.
Vương Thanh Hương lược dịch từ bản tin của Viện kế hoạch giáo dục quốc tế – IIEP, số 2, tháng 5-8/2011.