Hướng tới xã hội học tập: Hỗ trợ chất lượng dạy và học tại Việt Nam

10/08/2017 16:55 GMT+7
(GD&TĐ) - Chiều nay (23/8), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tham dự và phát biểu kết luận Hội nghị Hướng tới xã hội học tập, hỗ trợ chất lượng dạy và học tại Việt Nam, với 4 chủ đề trọng tâm: Học sinh/sinh viên; Giáo viên; Cán bộ quản lý; Gia đình/cộng đồng.

TT_NVHien.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại Hội nghị

Diễn ra tại Hà Nội trong 2 ngày (22-23/8), Hội nghị là kết quả hợp tác giữa Bộ GD&ĐT, tổ chức UNESCO và các tổ chức phi chính phủ bao gồm ChildFund, Oxfam GB, Plan International, Hiệp hội Giáo dục vì Mọi người tại Việt Nam và tổ chức phi lợi nhuận của Bỉ -VVOB với hơn 300 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, điển hình về thúc đẩy chất lượng giáo dục và đưa ra các đề xuất chính sách để nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam.

Bốn chủ đề trọng tâm của Hội nghị (Học sinh/sinh viên; Giáo viên; Cán bộ quản lý; Gia đình/cộng đồng) do các diễn giả uy tín của Bộ GD&ĐT, Học viện Quản lý GD, Viện Khoa học GD Việt Nam, Trường ĐHSP Hà Nội giới thiệu. Bên cạnh đó, mỗi chủ đề cũng được đề cập sâu ở 3 phiên thảo luận về các khía cạnh: thực trạng, giải pháp để đưa ra các khuyến nghị chính sách mang tầm vĩ mô.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã bổ sung, góp ý về 4 vấn đề chính mà hội nghị đã thảo luận.

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Đối với học sinh, sinh viên, việc xây dựng xã hội học tập cốt sao để học sinh biết tự học, từ đó mới có hứng thú học tập, học tập suốt đời. Cần giúp học sinh biết tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau. Đánh giá phải hướng tới sự tiến bộ của học sinh chứ không đánh giá chỉ nhằm xếp loại. Trẻ em khó khăn còn nhiều, cần giúp học sinh được đi học. Đặc biệt với học sinh dân tộc thiểu số cần quan tâm giáo dục tiếng Việt…

Với vấn đề giáo viên, phải coi trọng, tạo động lực để giáo viên tự nâng cao ý thức, chuyên môn; Phải có cách đánh giá sử dụng, bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên hiệu quả. Giáo viên cần được bồi dưỡng, bổ sung thêm cách đánh giá học sinh cũng như ngoại ngữ và tin học… để nâng cao chất lượng giáo dục. Muốn xây dựng XHHT thì mỗi thầy cô phải là tấm gương học tập suốt đời, nhà trường phải là một xã hội học tập thu nhỏ…

Với cán bộ quản lý GD, phải đáp ứng được những đổi mới của cơ chế quản lý; Cán bộ quản lý giáo dục phải có tầm nhìn, chiến lược phát triển; Phải phân định rõ quản lý Nhà nước và quản lý chuyên môn…

Đối với vấn đề quan hệ nhà trường và cộng đồng, nhà trường phải giúp học sinh có bản lĩnh, năng lực, ứng xử tốt… ngoài xã hội; Nhà trường phải là nơi giúp học sinh bước ra ngoài xã hội một cách vững vàng từ kiến thức tới kỹ năng…”.
    
Các đơn vị phối hợp tổ chức mong muốn Hội nghị sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho nhiều hợp tác hơn nữa giữa các bên liên quan, nhằm cải thiện chất lượng giáo dục cho mọi người, hướng tới xã hội học tập tại Việt Nam.

Bảo Minh - GD & TĐ