Hội thảo đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lí… của các cơ quan tại Việt Nam và các chuyên gia nước ngoài. Hội thảo gồm 4 tham luận đi từ vấn đề khái quát đến cụ thể của lĩnh vực lao động, việc làm và lợi tức giáo dục.
Bài tham luận đầu tiên của TS. Nguyễn Văn Thuật về "Nhìn lại nguồn cung lao động của Việt Nam giai đoạn 2002-2012" dựa trên sự phân tích số liệu của Tổng cục thống kê trong 10 năm. Bài tham luận đã đưa ra bức tranh thực trạng biến đổi lao động Việt Nam. Sự gia tăng của lực lượng lao động, trong đó, phụ nữ tham gia lực lượng lao động tăng dần trong giai đoạn 2006-2012. Báo cáo cũng chỉ ra sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị do quá trình đô thị hóa khiến cho lao động nông thôn có xu hướng giảm dần. Mặt khác, chất lượng lao động Việt Nam còn thấp, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường lao động hiện nay.
Bài tham luận thứ hai đề cập đến "Sự chuyển đổi của thị trường lao động Trung Quốc và những vấn đề trung hạn". Sự tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Trung Quốc trong nhiều thập niên qua đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển lực lượng lao động dồi dào của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng lao động Trung Quốc đang có xu hướng già hóa. Báo cáo đưa ra dự đoán số dân trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ còn 68,9% vào năm 2030. Tỉ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên vào năm 2030 sẽ tăng lên 16,5%. Thị trường lao động Trung Quốc cũng gặp phải hai trở ngại lớn do chế độ hộ khẩu đưa lại. Đó là, dân cư nông thôn không được hưởng phúc lợi xã hội khi tham gia lao động tại khu vực đô thị dẫn đến họ phải tự thành lập các phòng khám riêng và lớp học riêng để đáp ứng nhu cầu của lao động nông thôn tại các đô thị. Một vấn đề khác của thị trường lao động Trung Quốc là lực lượng lao động giá rẻ giảm dần. Làn sóng tăng lương tối thiểu bắt đầu vào năm 2010 và vẫn còn đang tiếp diễn. Chi phí lao động ngày càng tăng cao, một trong nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sự tăng trưởng nhanh và liên tục trong một thời gian dài.
Bài tham luận thứ 3 đề cập đến "Lợi tức giáo dục và cầu lao động ở Việt Nam". Dựa trên sự phân tích số liệu, nhóm tác giả nhận định rằng, lợi tức giáo dục tỉ lệ thuận với trình độ chuyên môn của người lao động. Sự tăng trưởng của nền kinh tế có thể là một bối cảnh tốt cho sự gia tăng lợi tức giáo dục và cầu lao động có kĩ năng.
Bài tham luận thứ 4 trình bày vấn đề "Thay đổi lợi tức giáo dục trong giai đoạn bùng nổ, trường hợp của Ailen". Nền kinh tế Ailen có sự tăng trưởng gấp đôi trong những năm 1990 kéo theo sự tăng trưởng nhanh chóng trong lĩnh vực việc làm và mức sống. Sự tăng trưởng đó chững lại vào những năm 2001, thể hiện tăng trưởng GDP còn lại 6% và việc làm tăng 3%. Nhìn từ góc độ giới, tỉ lệ nữ tham gia trong các lĩnh vực Giao thông, truyền thông, tài chính, kinh doanh tăng nhanh. Còn nam giới lại tăng nhanh trong lĩnh vực Xây dựng với tốc độ tăng gấp hai lần. Bài tham luận này hướng vào tìm hiểu sự bất bình đẳng lương và lợi tức của giáo dục trong thị trường lao động Ailen trong giai đoạn tăng trưởng việc làm nhanh chóng. Đối với nam giới, lợi tức giáo dục tương đối ổn định trong suốt thời kì tăng trưởng nêu trên. Còn đối với nữ giới, tỉ lệ lao động nữ tăng lên nhanh chóng và bất bình đẳng lương giảm vào nửa sau của thời kì tăng trưởng vượt bậc (1997-2001).
Các đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao đóng góp của các nhóm nghiên cứu. Đồng thời, các đại biểu cũng nhận thấy rằng vấn đề lao động-việc làm rất rộng và cần được tiếp tục tiến hành nghiên cứu ở cả tầm vĩ mô và vi mô. Đặc biệt, các nghiên cứu cần gắn liền với việc đề xuất chính sách. Mặt khác, cũng cần chỉ ra sự mối quan hệ gắn kết giữa giáo dục, đào tạo và chất lượng nguồn lao động; chỉ ra xu hướng của thị trường lao động trong tương lai để tiến hành đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội.
Hoàng Gia Trang