Tham dự Hội thảo có nhiều chuyên gia đầu ngành về y tế, giáo dục của Hoa Kỳ và Việt Nam, đại diện các cơ quan quản lý, chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ,các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên trong lĩnh vực giáo dục đặc biệt, Các tổ chức NGO’S, phụ huynh trẻ Tự kỷ và những người quan tâm tới lĩnh vực giáo dục trẻ Tự kỷ.
Phát biểu tại lễ khai mạc và chào mừng Hội thảo có sự tham dự của Bà Nguyễn Thị Nghĩa - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, GS.TS. Phan Văn Kha – Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Bà Claire Pierangelo, Phó đại sứ Hoa kỳ tại Việt Nam, Ông Jesper Moller, Đại diện Unicef.
Mục tiêu của hội thảo nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về hội chứng rối loạn phổ tự kỷ cũng như cung cấp một diễn đàn cho các quan cơ quan quản lý chính sách, các chuyên gia giáo dục đặc biệt (của Hoa Kỳ và Việt Nam), các chuyên gia trị liệu, giảng viên và phụ huynh thảo luận về những vấn đề hiện tại của chứng tự kỷ ở Việt Nam như: Chính sách dành cho trẻ tự kỷ; phát hiện, chuẩn đoán đánh giá, can thiệp sớm; hỗ trợ giáo dục tại trường hòa nhập; những nghiên cứu mới nhất về chứng tự kỷ và giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam và trên Thế giới. Đây cũng tạo tiền đề thiết lập một mạng lưới hợp tác, phối hợp giữa các tổ chức quốc tế và chính phủ Việt Nam; chuyên gia, giáo viên trong lĩnh vực giáo dục đăc biêt và phụ huynh để phát triển và thực hiện các giải pháp giáo dục khả thi, hiệu quả và bền vững cho trẻ tự kỷ. Hội thảo tập trung vào các kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm, sáng kiến trong giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam và nước ngoài theo 5 chủ đề: chính sách giáo dục cho trẻ Tự kỷ, phát hiện sớm và can thiệp sớm, chuẩn đoán và đánh giá trẻ Tự kỷ, hỗ trợ trẻ Tự kỷ trong trường hòa nhập, các xu hướng nghiên cứu mới nhất về trẻ Tự kỷ và giáo dục trẻ Tự kỷ.
Tại Hội thảo, nhiều nội dung về trẻ tự kỷ đã được đưa ra thảo luận và cùng tìm các phương hướng giải quyết. Trước hết là những đánh giá tổng quan về tình hình giáo dục và chính sách cho trẻ Tự kỷ ở Mỹ do TS. Connie Kasari trình bày (có phản hồi). Tổng quan về tình hình nghiên cứu giáo dục và một số vấn đề định hướng chính sách cho trẻ tự kỷ ở Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Phó Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và TS. Nguyễn Ngọc Toản – Cục bảo trợ xã hội, Bộ LĐTBXH trình bày. Tiếp sau là những chuẩn đoán, đánh giá trẻ tự kỷ ở Mỹ cũng như đánh giá phát triển trẻ Tự kỷ ở VN do TS. Lauren Elder và ThS. Đào Bích Thủy – PGĐ TT Sao Biển Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày (có phản hồi). Vấn đề được quan tâm nhất của hội thảo là phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ Tự kỷ ở Mỹ và Việt Nam do TS. Helen Tager-Flusberg, GS tâm lý học tại Đại học Boston, Chủ tịch Hiệp hội Quốc tế nghiên cứu về tự kỷ cùng TS. Nguyễn Thị Hương Giang - Khoa phục hồi chức năng, bệnh viện nhi Trung Ương trình bày. Việc chẩn đoán, đánh giá trẻ tự kỷ ở Mỹ và đánh giá phát triển trẻ Tự kỷ ở Việt Nam được trình bày bởi TS. Lauren Elder và ThS. Đào Bích Thủy. Các xu hướng nghiên cứu mới nhất về trẻ Tự kỷ và giáo dục trẻ Tự kỷ ở Mỹ và thế giới cũng như hướng tới quản lý chất lượng giáo dục trẻ Tự kỷ ở Việt Nam do TS. Helen Tager-Flusberg và PGS.TS. Lê Văn Tạc – GĐ trung tâm nghiên cứu giáo dục đặc biệt cũng nhận được nhiều phản hồi.
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 12 và 13/3 với nhiều chủ đề được đưa ra bàn bạc, thảo luận như: Chẩn đoán, đánh giá trẻ tự kỷ ở Mỹ; Đánh giá phát triển trẻ tự kỷ ở Việt Nam; Các xu hướng nghiên cứu mới nhất về trẻ tự kỷ và giáo dục trẻ tự kỷ ở Mỹ và thế giới; Hướng tới quản lý chất lượng giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam; Hy vọng một tương lai tốt đẹp cho trẻ tự kỷ; Xây dựng Chương trình hành động về giáo dục trẻ tự kỷ ở Việt Nam.../.