Hội thảo “Chuyển đổi trường học thành môi trường học tập sáng tạo của thế kỷ 21: Mô hình thiết kế trường học, lãnh đạo và những thử thách triển khai”

10/08/2017 16:55 GMT+7
Ngày 13/05/2015, Viện KHGD Việt Nam tổ chức buổi hội thảo “Chuyển đổi trường học thành môi trường học tập sáng tạo của thế kỷ 21: Mô hình thiết kế trường học, lãnh đạo và những thử thách triển khai”, do GS. Clive Dimmock, Trung tâm Đổi mới giáo dục Robert Owen, Đại học Glasgow, trình bày. Đây là nội dung thuộc dự án của OECD về đổi mới môi trường học tập sáng tạo.

Lĩnh vực nghiên cứu của GS. Clive Dimmock tập trung vào các vấn đề liên quan tới việc nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh. Trong hơn hai thập kỷ qua, các công trình nghiên cứu của ông nhằm làm rõ khái niệm lãnh đạo dựa trên học tập, lấy học tập làm trung tâm, tương tác và liên kết giữa học tập, giảng dạy, phát triển chuyên môn và lãnh đạo, vai trò của những cấu phần này trong việc cải thiện kếtquả học tập của học sinh thông qua qui trình tái thiết kế nhà trường. Bên cạnh đó, ông cũng quan tâm tới tiếp cận so sánh liên văn hóa nhằm xác định điểm tương đồng và khác biệt giữa hệ thống giáo dục và lãnh đạo trong nhà trường Anh-Mỹ và châu Á. Gần đây, giáo sư đi sâu nghiên cứu sự bình đẳng giữa các hệ thống trường học, và vai trò của các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo nhà trường trong vấn đề này. Ngoài ra, hiện nay ông đang nghiên cứu về thách thức/giải pháp khi mối quan hệ giữa nghiên cứu, chính sách và thực thi chính sách là không chặt chẽ.

Đến dự hội thảo có sự tham gia của Viện trưởng GS. Trần Công Phong, Phó Viện trưởng PGS. Trần Huy Hoàng, cùng đại diện các đơn vị nghiên cứu và các cán bộ quan tâm tới dự.

Theo GS. Clive Dimmok, việc chuyển đổi trường học thành môi trường học tập sáng tạo là việc làm cần thiết để các trường học có thể đáp ứng nhiều kỳ vọng của học sinh, phụ huynh, xã hội và đáp ứng với sự phát triển của kinh tế. Quá trình chuyển đổi cần bắt kịp với những thay đổi của môi trường công việc, cần chú trọng nhiều hơn những kỹ năng mềm bên cạnh khả năng về chuyên môn, và cũng cần chú trọng hơn nữa đến tính bình đẳng và cơ hội học tập mới nhiều sác tộc, tầng lớp xã hội, giới tính, độ tuổi,… Và việc chuyển đổi này cần được triển khai trên cả hệ thống và cần phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản đã được đưa ra.

Tiếp đó, ông đề cập đến các thành tố chính của mô hình thiết kế trường học và trình bày mô hình thiết kế trường học theo phương pháp Lặp lại Lập kế hoạch lùi (Back – Iteractive Mapping): Khung lãnh đạo học tập trong thế kỷ 21.
 
IMG_1.jpg
 
Hình: Mô hình thiết kế trường học theo phương pháp Lặp lại Lập kế hoạch lui: Khung lãnh đạo học tập trong thế kỷ 21

Để thực hiện mô hình này cần trả lời các câu hỏi sau:
-  Chúng ta mong muốn đạt được mục tiêu/ kết quả học tập nào cho học sinh trong thế kỷ 21?
-  Những nội dung chương trình nào sẽ mang đến kết quả này?
-  Những quá trình, giá trị, kỹ năng và kiến thức học tập nào sẽ giúp học sinh có thể đạt được những kết quả này?
-  Học như thế nào là tốt nhất cho học sinh?
-  Những hệ thống đánh giá nào đánh giá kết quả đạt được của học sinh?
-  Những phương pháp thực hành sư phạm nào tốt nhất cho học sinh?
-  Công nghệ nào đóng vai trò trong phương pháp học tập mới?
-  Cách nào tốt nhất để xây dựng lớp học, thời gian biểu và nhóm học sinh/ giáo viên trong việc hỗ trợ học tập?
-  Những phương pháp mới nào trong việc bồi dưỡng chuyên môn là cần thiết cho giáo viên nâng cao kỹ năng?
-  Những hình thức lãnh đạo nào là cần thiết cho hoạt động, duy trì và đổi mới bền vứng trong tất cả những yếu tố chính của mô hình thiết kế trường học?

Dựa vào kinh nghiệm của Singapore và một số nước khác, ông đã chỉ ra những thách thức đối với những nhà lãnh đạo trong quá trình triểu khai mô hình thiết kế trường học. Đó là sự bất cập trong quản lý; sự phức tạp của mô hình thiết kế trường học; mô hình cần được triển khai một cách linh hoạt để phù hợp với văn hóa từng nước; thực hiện tính chủ động của cộng đồng trong việc hỗ trợ cải cách; duy trì sự lãnh đạo; nhân rộng mô hình trong thực tiễn; có hệ thống tăng cường hỗ trợ.

Hội thảo kết thúc cùng ngày.
 Vương Hồng Hạnh, Lương Đình Hải