Hội thảo quốc tế “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam

13/10/2017 11:40 GMT+7
Ngày 11/10/2017Viện Khoa học Việt Nam đã phối hợp với Đại học Waikato (New Zealand) và Quỹ Nhi Đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non Việt Nam”. Phiên khai mạc bắt đầu lúc 08h00 tại Khách sạn La Thành, Hà Nội.

GS.TS. Trần Công Phong -Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam,TS. Yoshimi Nishino - Quyền Phó trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam và GS. Browen Cowie, Đại học Waikato, đồng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các giảng viên, nghiên cứu viên...trong lĩnh vực Quản lý Giáo dục, Giáo dục Mầm non, Giáo dục đặc biệt…đến từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các Sở Giáo dục và Đào tạo,Đại học Waikato, các trường đại học, cao đẳng trong nước và nước ngoài, các chuyên gia đến từ tổ chức quốc tế UNICEF,UNESCO, PLAN, SC Việt Nam.Đại diện các cơ quan báo, đài Trung ương và Hà Nội cũng có mặt đưa tin về Hội thảo.
Hội thảo là diễn đàn thảo luận về các chính sách phát triển Giáo dục Mầm non ở Việt Nam trong bối cảnh triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, với hai nhóm vấn đề chính được quan tâm:
Một là, những vấn đề lý luận và thực tiễn về chính sách hỗ trợ phát triển Giáo dục Mầm non trong bối cảnh đổi mới.
Hai là, những giải pháp và các mô hình hiệu quả trong việc đổi mới, phát triển Chương trình Giáo dục Mầm non nhằm nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ nói chung và trẻ mầm non có nhu cầu giáo dục đặc biệt nói riêng.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đã nghe Báo cáo đề dẫn do PGS.TS Nguyễn Thị Mĩ Trinh – Giám đốc Trung tâm NCGD Mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trình bày và 11báo cáo tham luận khác, gồm: 
1. Đề án Phổ cập Giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi ở Việt Nam: Kết quả và tác động – PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT;
2. Chính sách Giáo dục Mầm non ở New Zealand – PGS. Linda Mitchel, ĐH Waikato;
3. Thực trạng và giải pháp giảm rào cản trong cơ chế quản lý nhóm trẻ độc lập tư thục và nhóm trẻ gia đình ở Việt Nam – TS Nguyễn Thị Thu Hà, NCV Trung tâm NCGD Mầm non, Viện KHGDVN;
4. Ảnh hưởng văn hóa đến chăm sóc, giáo dục và phát triển trẻ mầm non các dân tộc thiểu số Việt Nam –  PGS.TS Nguyễn Thị Mĩ Trinh – Giám đốc Trung tâm NCGD Mầm mon, Viện KHGDVN;
5. Mô hình hỗ trợ cá nhân cho trẻ khuyết tật học hòa nhập ở trường mầm non – PGS.TS Bùi Thị Lâm, Khoa Giáo dục Đặc biệt, ĐHSP Hà Nội;
6. Khả năng đọc, viết trong giai đoạn mầm non – Những kết quả từ hai nghiên cứu của New Zealand – GS. Claire Mclachlan, ĐH Waikato;
7. Tăng cường khả năng sẵn sàng đi học cho trẻ mẫu giáo 5 – 6 tuổi làm quen đọc – viết – Tác giả Lê Thị Thùy Dương, tổ chức SC;
8. Mô hình nâng cao năng lực phát triển Chương trình giáo dục mầm non tại vùng dân tộc thiểu số - Tác giả Lê Thị Bích Hạnh, tổ chức PLAN Việt Nam;
9. Chương trình giảng dạy trong hành dộng: Đánh giá và sử dụng thông tin trong học tập của trẻ - GS. Browen Cowei và TS.Lesley Rameka, ĐH Waikato;
10. Thích ứng và chuẩn hóa bộ công cụ ASQ-3 tại việt Nam – TS Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội;
11. Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng bộ CHuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi ở Việt Nam – TS Chu Thị Hồng Nhung, NCV Trung tâm NCGD Mầm non, Viện KHGDVN
Cùng với những ý kiến trao đổi, bình luận,  các đại biểu đã đặt ra khá nhiều câu hỏi thú vị nhằm sáng tỏ hơn các nội dung trong các báo cáo. Các trao đổi, thảo luận tập trung về các vấn đề:
- Cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển Giáo dục Mầm non, đặc biệt, về nguồn lực tài chính và giải pháp xã hội hóa giáo dục;
- Phát triển Chương trình giáo dục và đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá, đặc biệt, cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng trong phát triển Chương trình Giáo dục Mầm non.
- Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở Giáo dục Mầm non
- Đảm bảo công bằng trong Giáo dục Mầm non.
Nhiểu ý kiến trao đổi, thảo luận được Ban Tổ chức trân trọng ghi nhận để tiếp tục phát triển ở các Hội thảo chuyên đề trong thời gian tới. 
Tiếp theo Chương trình, Hội thảo tiếp tục vào ngày 12.10.2017 với buổi chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn chuyên môn của các chuyên gia New Zealand và Viện KHGD Việt Nam tại trường mầm non Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội. Ngày 13.10.2017 đoàn đại biểu đi tham quan mô hình Thư viện thân thiện với trẻ em dựa vào cộng đồng tại trường mầm non Đông Hội và 01 trường mầm non, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Một số hình ảnh Hội thảo:
 
GS.TS. Trần Công Phong, Viện trưởng Viện KHGDVN khai mạc Hội thảo
 
 GS. Browen Cowei – Giám đốc Viện NCGD W.Macom, Đại học Waikato
Chia sẻ kinh nghiệm: Đánh giá và sử dụng thông tin trong học tập của trẻ
 
 GS. Claire Jane, Đại học Waikato trong buổi chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn chuyên môn
tại trường mầm non Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội
 
 Bà Sara Archard, Đại học Waikato trong buổi chia sẻ kinh nghiệm và tập huấn chuyên môn
tại trường mầm non Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội
 
 Các đại biểu chụp ảnh kỉ niệm tại Hội thảo