Ra mắt câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và Semina "Đoàn Thanh niên với công tác nghiên cứu khoa học"

10/11/2017 14:58 GMT+7
Thực hiện Quyết định số 505 ngày 20 tháng 10 năm 2017 của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, sáng 9.11, tại trụ sở 101 Trần Hưng Đạo Hà Nội đã tiến hành Lễ ra mắt Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

Câu lạc bộ là nơi hôi tụ, kết nối các nhà khoa học trẻ, tạo nguồn lực đa dạng trong nghiên cứu và giảng dạy; phát triển và phát huy năng lực cho cán bộ trẻ của Viện trong nghiên cứu khoa học.

GS.TS Trần Công Phong – Viện trưởng Viện KHGDVN tham dự và trao Quyết định thành lập Câu lạc bộ. Theo đó, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ gồm 16 thành viên. PGS.TS Phó viện trưởng Lê Anh Vinh là Chủ tịch Câu lạc bộ cùng 3 Phó chủ tịch là TS.Trương Xuân Cảnh, TS. Nguyễn Thị Kim Hoa, TS. Chu Hồng Nhung và 12 cán bộ là tiến sĩ, thạc sỹ giữ vai trò Ủy viên, thư ký Câu lạc bộ.

 


 Ban Ban Chủ nhiệm câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ Viện KHGDVN

Phát biểu tại buổi lễ, GS.TS Trần Công Phong khẳng định vai trò của lực lượng nghiên cứu viên trẻ mà nòng cốt là các đoàn viên, thanh niên; sứ mệnh của Câu lạc bộ trong hội tụ các NCV trẻ, huy động sự đóng góp của lực lượng này đối với nghiên cứu khoa học của Viện. Viện trưởng cũng giao nhiệm vụ và khuyến khích Ban Chủ nhiệm trong việc xác định hướng nghiên cứu khoa học của Câu lạc bộ cũng như của từng cán bộ nghiên cứu; nêu định hướng nghiên cứu khoa học của Viện mà Ban Chủ nhiệm và các hội viên cần quan tâm trong thời gian tới là: Phát triển chương trình, Đánh giá các chính sách giáo dục, Quản lý giáo dục và lĩnh vực Tâm lý – Giáo dục. Viện trưởng cũng đề cập đến tiêu chí, phẩm chất mà một nhà khoa học cần phải có. Trong đó một trong những tiêu chí khẳng định vai trò, vị trí của Nhà khoa học là phải có công trình nghiên cứu khoa học có giá trị được đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước. Viện trưởng đề nghị các cán bộ nghiên cứu cần nâng cao năng lực ngoại ngữ trong thời đại công dân toàn cầu. Đặc biệt, cán bộ nghiên cứu cần phải học tập và trau dồi các kỹ năng mềm.

 

GS.TS Trần Công Phong – Viện trưởng Viện KHGDVN phát biểu chỉ đạo

Ngay sau phần ra mắt Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ, Đoàn thanh niên Viện KHGDVN tổ chức semina khoa học với chủ đề “Đoàn thanh niên với công tác nghiên cứu khoa học”. Ths Nguyễn Xuân An thay mặt BCH Đoàn Viện báo cáo các hoạt động khoa học do Đoàn thanh niên tổ chức trong nhiệm kỳ vừa qua như: tổ chức các semina về kỹ năng viết bài báo đăng tạp chí khoa học trong nước và quốc tế,  về kỹ năng viết CV bằng tiếng Anh và tiếng Việt; tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ Tiếng Anh với chủ đề nâng cao vốn từ, rèn luyện khả năng phát âm; semina về cách thức tìm kiếm ý tưởng nghiên cứu, cách lựa chọn đề tài nghiên cứu. Những chủ đề semina do Đoàn thanh niên Viện tổ chức đều được đánh giá cao về tính thiết thực và hiệu quả.

Chủ tịch Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ, PGS.TS Phó viện trưởng Lê Anh Vinh đã chia sẻ về những lĩnh vực mà Câu lạc bộ có thể triển khai được, đó là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, đẩy mạnh hình ảnh của Viện với cộng đồng. Việc nghiên cứu ứng dụng được áp dụng trong thực tế và được xã hội chấp nhận cũng như việc đẩy mạnh vị thế, hình ảnh của Viện trong cộng đồng là những thế mạnh của Câu lạc bộ. Riêng đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu trẻ, Chủ tịch Câu lạc bộ đã truyền cảm hứng nghiên cứu khi nhấn mạnh đến “Cơ hội làm việc có ý nghĩa”. Nghĩa là việc cán bộ nghiên cứu trẻ được giao nhiệm vụ, tạo được sự tin tưởng, và được tự khẳng định mình là động lực lớn lao. Điều này đồng nghĩa với việc Viện cũng như Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ cần có những chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu cho cán bộ trẻ. Những chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu này ngoài việc được xác định từ Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thì cần xuất phát từ chính nhu cầu của cán bộ. Phó viện trưởng Lê Anh Vinh nhấn mạnh đến việc cần có chương trình phát triển năng lực nghiên cứu không ranh giới giữa các chuyên môn, chuyên ngành.

 

Chủ tịch Câu lạc bộ, PGS.TS Lê Anh Vinh chia sẻ tại semina

Câu lạc bộ và Đoàn thanh niên cũng bàn luận và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trong quý 4 năm 2017 và năm 2018. Các nhiệm vụ trọng tâm tập trung vào các lĩnh vực theo chỉ đạo của Viện trưởng. Phần thảo luận, có rất nhiều ý kiến đưa ra về việc đẩy mạnh sự kết nối các bậc học, sự kết nối các nhà chuyên môn trong việc dịch sách, dịch tài liệu cũng như tạo thành các nhóm nghiên cứu đa ngành, bàn về khái niệm mới “đề tài không đồng” và mong muốn Viện sẽ tạo cơ chế cho những “đề tài không đồng”, việc kết hợp các nguồn lực bên ngoài để thực hiện “đề tài không đồng”. Khâu truyền thông của Câu lạc bộ cũng được đề cập thông qua việc cần có những chủ đề tổ chức các festival, các ngày hội đưa hoạt động khoa học gần gũi hơn với cộng đồng và cần có một bộ phận truyền thông có kinh nghiệm, kỹ thuật phụ trách.

Tại semina, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ và Đoàn TNCSHCM đã thống nhất thông qua hai hoạt động trong quý 4 năm nay: Xây dựng môi trường đọc thân thiện tại thư viện của Viện và Giáo dục STEM trong nhà trường. Hoạt động Xây dựng môi trường đọc thân thiện tập trung vào việc cải thiện phòng ốc, cảnh quan thư viện tạo không gian thoải mái và tăng hứng thú đọc sách cho cán bộ Viện. Hoạt động này do TS Nguyễn Thị Kim Hoa đảm nhận. Đối với hoạt động Giáo dục STEM trong nhà trường, PGS.TS Lê Anh Vinh phụ trách với định hướng tạo ra được sản phẩm hoàn thiện là chương trình hoàn thiên bài học, hướng dẫn giáo viên cho cả năm học. Hoạt động STEM được thử nghiệm ngay tại trường TH và THCS Thực nghiệm.

Việc ra đời Câu lạc bộ Nhà khoa học trẻ trong bối cảnh hiện nay hết sức có ý nghĩa, có vai trò định hướng cho cán bộ nghiên cứu, là cầu nối giữa các cán bộ của Viện, là môi trường sinh hoạt khoa học giúp đẩy nhanh công tác nghiên cứu khoa học của Viện hòa nhập với thế giới.

Thu Thanh