Hội thảo trực tuyến “Thúc đẩy kỹ năng số cho học sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế”
Ngày 24/09/2021, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Vietnet-ICT và Facebook tổ chức hội thảo “Thúc đẩy kỹ năng số cho học sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế” nhằm công bố, chia sẻ, thảo luận các kết quả nghiên cứu lí luận và thực tiễn hướng đến thúc đẩy, nâng cao nhận thức, trang bị các kỹ năng số cần thiết, chuẩn bị hành trang cho học sinh tự tin hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tham dự hội thảo, về phía khách mời, có đại diện của các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện của các tổ chức UNESCO, UNICEF, các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN), có Phó Viện trưởng phụ trách Lê Anh Vinh, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu thuộc Viện. Bên cạnh đó, hội thảo đã thu hút hơn 200 người tham dự theo hình thức trực tuyến, bao gồm các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên và những người quan tâm ở trong và nguoài nước.
GS. TS. Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, GS. TS. Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện KHGDVN chào mừng các vị đại biểu, các vị khách quí và toàn thể mọi người quan tâm đến vấn đề kỹ năng số và thúc đẩy kỹ năng số cho học sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo báo cáo của UNICEF, trên toàn cầu, cứ ba người truy cập Internet thì có một người là trẻ em. Đặc biệt, hai năm vừa qua, do chịu sự tác động của bối cảnh đại dịch Covid-19, học sinh rất cần và cũng đã học được rất nhiều kỹ năng mới đáo ứng sự thay đổi ngày càng nhanh và những yêu cầu của thời đại số. Vấn đề đặt ra là phải trang bị kỹ năng số và xây dựng môi trường số an toàn và tốt nhất cho học sinh. Ông mong đợi thông qua hội thảo, những người tham dự sẽ cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm để hướng tới có những chiến lược phát triển kỹ năng số và an toàn số cho học sinh Việt Nam.
Ông Tô Hồng Nam chia sẻ định hướng chuyển đổi số của ngành giáo dục
Phát biểu chào mừng hội thảo, ông Tô Hồng Nam - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ - Thông tin, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã gửi lời cảm ơn tới các vị đại biểu tham dự hội thảo. Trong bài phát biểu, ông nhấn mạnh đến ba yếu tố cốt lõi của chuyển đổi số của ngành GD&ĐT ngoài các yếu tố về cơ chế, chính sách là (i) quản lý, quản trị dựa trên Big Data, (ii) nguồn nhân lực của chuyển đổi số và (iii) học liệu số bao gồm cả các nền tảng dạy học trực tuyến. Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng thế hệ công dân số trong xã hội số, ông đánh giá Hội thảo có ý nghĩa thực tiễn rất cao với các nội dung thảo về xây dựng khung năng lực số, tài liệu giảng dạy, đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm tập huấn giáo viên, học sinh,…
Bà Geraldine Lim cung cấp thông tin về Chương trình Tư duy thời đại số
Hội thảo có bốn bài tham luận chính và đan xen là các phần hỏi - đáp và thảo luận giữa các diễn giả, nhà quản lý, chuyên gia giáo dục và những người tham dự. Bài tham luận thứ nhất “Giới thiệu chương trình Tư duy thời đại số” do bà Geraldine Lim, Quản lý Chương trình Chính sách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook trình bày. Với sứ mệnh “Sức mạnh để xây dựng cộng đồng và giúp mọi người trên thế giới đến gần nhau hơn”, Facebook đã thực hiện Chương trình Tư duy thời đại số từ năm 2019 với các nội dung chính về vào mạng an toàn, quản lý mật khẩu, nhận biết nguy cơ xấu, giao tiếp lành mạnh và thấu hiểu người khác trên mạng, có tư duy phê phán và xác minh thông tin trên mạng. Đến nay, chương trình này đã được triển khai ở 15 quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, hợp tác với hơn 35 đối tác, và chương trình được địa phương hóa theo điều kiện của từng quốc gia. Ba chiến lược chính của Chương trình gồm (i) Tập trung vào Giáo dục (nguồn tài nguyên mới, đồng sáng tạo học tập dựa trên chương trình), (ii) Nâng cao nhận thức (bài giảng video, các câu hỏi tương tác), và (iii) Truyền thông và vận động chính sách (hợp tác với các đối tác và các chuyên gia).
ThS. Đỗ Đức Lân trình bày báo cáo về phát triển khung năng lực số, xây dựng tài liệu phát triển năng lực an toàn số
Tiếp theo chương trình là “Báo cáo về phát triển khung năng lực số, xây dựng tài liệu phát triển năng lực an toàn số” của Viện KHGDVN do ThS. Đỗ Đức Lân, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày. Báo cáo tập trung vào hai nội dung chính: (i) Năng lực số và chính sách phát triển năng lực số trong giáo dục; và (ii) Nghiên cứu thích ứng, xây dựng bộ tài liệu về an toàn số. Về khung năng lực số, nhóm nghiên cứu đã đề xuất bảy miền năng lực: (1) Vận hành các thiết bị kỹ thuật số; (2) Xử lí thông tin và dữ liệu; (3) Giao tiếp và Hợp tác; (4) Tạo nội dung số; (5) An toàn kỹ thuật số; (6) Giải quyết vấn đề; và (7) Năng lực định hướng nghề nghiệp. Đối với bộ tài liệu, nội dung an toàn số gồm bảy module: (1) Dấu chân số của bạn; (2) Bảo vệ danh tính số của bạn; (3) Tôn trọng trong giao tiếp; (4) Thực hành tư duy tích cực trong giao tiếp trực tuyến; (5) Hãy là người có tư duy phản biện; (6) Các mẹo phát hiện tin giả; và (7) Kỹ năng xác thực thông tin.
Bà Ngô Minh Trang chia sẻ kinh nghiệm triển khai tập huấn kỹ năng số cho giáo viên và học sinh
Bài tham luận tiếp theo chia sẻ “Kinh nghiệm triển khai tập huấn kỹ năng số cho giáo viên và học sinh” do bà Ngô Minh Trang - Giám đốc Vietnet-ICT trình bày. Trong đó, ba hoạt động chính của Chương trình Tư duy thời đại số đã triển khai tại Việt Nam là (1) Xây dựng tài liệu: Bản địa hóa bộ tài liệu Tư duy thời đại số; Xây dựng và đa dạng hóa bộ tài liệu hỗ trợ giáo viên giảng dạy, (2) Tập huấn và hỗ trợ giáo viên nguồn (triển khai tập huấn trực tiếp cho giáo viên - phối hợp với 14 Sở GD&ĐT, tập huấn trực tiếp 1970 giáo viên THCS, THPT; triển khai tập huấn trực tuyến dành cho giáo viên - tập huấn chia nhỏ theo buổi theo từng học phần, kết hợp video bài giảng và các buổi trao đổi trực tuyến), và (3) Hỗ trợ giảng dạy và xây dựng cộng đồng giáo viên Chương trình (xây dựng cộng đồng giáo viên; hỗ trợ giảng dạy; hoạt động kết nối cộng đồng giáo viên; hoạt động khích lệ).
Ông Mai Văn Chuyền trình bày kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng số cho học sinh từ góc nhìn của giáo viên
Ở nội dung trình bày thứ tư, thầy giáo Mai Văn Chuyền, giáo viên trường THCS Ngô Mây, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, đại diện các giáo viên tham gia Chương trình đã có bài chia sẻ “Kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng số cho học sinh - Góc nhìn từ giáo viên”. Thầy khái quát những khó khăn mà nhà trường, giáo viên và học sinh vùng dân tộc thiểu số và miền núi gặp phải khi tiếp cận với công nghệ số, phát triển kỹ năng số, đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm thực tiễn để nhà trường phối hợp với phụ huynh cùng hỗ trợ cho học sinh phát triển kỹ năng số trong thời đại số.
Các khách mời cùng các đại biểu thảo luận tại hội thảo
Phiên thảo luận đã diễn ra sôi nổi dưới sự điều hành của GS. TS. Lê Anh Vinh cùng năm khách mời là ông Ruici Tio - Quản lý Chương trình Chính sách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Facebook, ông Hồ Vĩnh Thắng - đại diện Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, bà Hồ Trần Thanh Huyền - đại diện UNICEF Việt Nam, bà Ngô Minh Trang - Giám đốc Vietnet-ICT, ông Lý Tiến Hải - đại diện Sở GD&ĐT Thái Nguyên. Các vị đại biểu cùng có sự quan tâm đến những khó khăn ở nhiều phương diện khác nhau như cơ sở hạ tầng, thiết bị kĩ thuật, nguồn học liệu, kỹ năng số, tài chính… và thách thức lớn nhất là kỹ năng an toàn số cho giáo viên và học sinh. Đây là nhu cầu lớn và thiết thực cần được đáp ứng cho cả giáo viên và học sinh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn thế giới. Thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương đã xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chuyển đổi số của ngành là nâng cao kỹ năng CNTT cho học sinh, từ đó lan tỏa đến toàn bộ người dân. Mong muốn đưa chương trình hiện nay thành chương trình chính thống trong các nhà trường, mỗi địa phương sẽ sáng tạo thêm cho phù hợp với điều kiện thực tế, lấy mục đích cuối cùng quyền lợi cho học sinh là cao nhất. Cùng sự quan tâm trên, UNICEF còn lưu ý đến khoảng cách số giữa các nhóm trẻ em và giới, đối tượng dễ bị tổn thương. Cũng trong phiên thảo luận, Vietnet-ICT cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các đối tác địa phương, mong nhận được sự hỗ trợ từ Sở GD&ĐT cho các giáo viên tham gia dự án và mở rộng tới các giáo viên được tập huấn lại; trong những năm tới, sẽ đánh giá lại về dự án và đa dạng các nguồn tài liệu để hỗ trợ thêm cho giáo viên và học sinh.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu bế mạc hội thảo, GS. TS. Lê Anh Vinh gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các vị đại biểu đã tham dự hội thảo hôm nay. Ông nhấn mạnh phát triển năng lực số và an toàn số cho học sinh không chỉ tập trung vào học sinh mà còn hướng tới giáo viên và phụ huynh vì họ là những người có tác động trực tiếp tới tiếp cận số của học sinh. Đồng thời, hy vọng với góc nhìn tích cực thì khi có sự chung tay của các lực lượng xã hội, chúng ta sẽ đảm bảo sự tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em trên khắp Việt Nam trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19 bằng nhiều hình thức dạy và học, trong đó có dạy học trực tuyến. Giai đoạn tới, Viện KHGDVN, Vietnet-ICT và Facebook sẽ phối hợp đánh giá lại Chương trình và mở rộng các nguồn tài nguyên để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực số và an toàn số cho mọi trẻ em Việt Nam.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam