Tọa đàm chủ đề Tiếp cận và bình đẳng trong Giáo dục mầm non và Giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011-2020

16/07/2021 14:06 GMT+7
Bài trình bày ở phiên thứ hai Hội thảo Giáo dục Việt Nam 2011-2020 làm rõ hơn một trong những vấn đề rất được quan tâm đối với giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020. Đó là vấn đề tiếp cận và công bằng trong giáo dục. Các chỉ tiêu của Chiến lược phát triển giáo dục năm 2020 về cơ bản đã đạt được ở mầm non, tiểu học và THCS, nhưng với THPT thì còn khoảng cách đáng kể, có sự khó khăn khi tiếp cận giáo dục với học sinh học ở THPT. Ngoài ra, các nhóm học sinh khuyết tật, dân tộc thiểu số và thuộc gia đình di cư, nhập cư vẫn còn chưa có nhiều cơ hội tiếp cận giáo dục.

Điều hành tọa đàm là PGS.TS. Trần Huy Hoàng - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, với sự thảo luận của các nhà khoa học: TS. Ethel Agnes Pascua-Valenzuela - Giám đốc Ban thư ký SEAMEO, GS.TS. Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc - Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục mầm non, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, và PGS. TS. Phạm Đức Quang - Phó Giám đốc Trung tâm phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông Quốc gia, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam.  
 

Các diễn giả của phiên thảo luận thứ hai (từ trái qua phải): PGS.TS. Trần Huy Hoàng, GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc, PGS. TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh, PGS. TS. Phạm Đức Quang
 
Bắt đầu phiên họp, hai diễn giả, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh và PGS.TS. Phạm Đức Quang trình bày những nội dung chính về i) Tiếp cận và công bằng đối với giáo dục mầm non, trong đó tập trung đến tỉ lệ huy động trẻ mầm non đến trường, thành công và hạn chế ở cấp giáo dục mầm non, những nhóm trẻ mầm non hiện đang bị bỏ lại phía sau; ii) Tiếp cận và công bằng đối với giáo dục phổ thông, bao gồm việc tiếp cận giáo dục phổ thông đúng độ tuổi; công bằng trong giáo dục phổ thông, và nhóm học sinh đang chưa được hưởng giáo dục công bằng.
 

Bà Nguyễn Thị Mỹ Trinh trình bày báo cáo về giáo dục mầm non Việt Nam giai đoạn 2011-2020
 
Các chuyên gia đánh giá cao nội dung trình bày, đồng thời cũng nhất trí với những vấn bất cập còn tồn tại trong việc huy động trẻ đến trường tại Việt Nam. Hơn nữa, các ý kiến cần triển khai các chính sách đảm bảo tiếp cận và công bằng trong giáo dục một cách toàn diện, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương được thảo luận sôi nổi.
  

Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng điều phối phiên thảo luận
  
Phiên thảo luận thứ hai kết thúc với một câu hỏi lớn đặt ra cho các nhà quản lý và các nhà nghiên cứu giáo dục là phải làm sao để không những tất cả trẻ em đều “được học” mà còn cần đảm bảo tất cả trẻ em đều “học được”. Chương trình giáo dục cùng các điều kiện về chính sách, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất… cần được triển khai đồng bộ để đảm bảo cả “lượng” và “chất” của giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông.
  

GS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Lộc (bên trái) góp ý báo cáo về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông Việt Nam giai đoạn 2011-2020
  
 Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam
 
Thông tin về các phiên làm việc của hội thảo Giáo dục Việt Nam 2011-2020: