Thứ trưởng Ngô Thị Minh làm việc với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia

09/11/2021 22:30 GMT+7
Chiều ngày 09/11/2021, tại trụ sở 52 Liễu Giai, Thứ trưởng Ngô Thị Minh - Trưởng ban chỉ đạo giáo dục trẻ khuyết tật và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đã có buổi làm việc về hoạt động chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn và phần mềm quản lý giáo dục người khuyết tật với Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN).

Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Ngô Thị Minh dẫn đầu đoàn công tác cùng đại diện Vụ Giáo dục tiểu học, Văn phòng Bộ. Về phía Viện KHGDVN, có sự tham dự của Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh, ban lãnh đạo Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia và nhóm thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi Braille.
 
Thực hiện Kế hoạch số 1123/KH-BGDĐT ngày 19/10/2021 về Chuyển đổi và nhân bản sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn, Viện KHGDVN thành lập Nhóm chuyển đổi và in mẫu sách giáo khoa chữ nổi, và nhân bản sách giáo khoa chữ nổi lớp 1, 2 và 6 theo nhu cầu của các địa phương với sự hợp tác của các Cục, Vụ, Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup, Trung ương Hội người mù Việt Nam.
 
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh trong Hiến pháp, Luật Giáo dục và các văn bản qui phạm pháp luật khác đều đã nhắc đến công tác chăm sóc, giáo dục trẻ khuyết tật; tuy nhiên, trong thực tế vấn đề này còn nhiều khó khăn. Trẻ khuyết tật và người khuyết tật cần được đảm bảo quyền được tiếp cận giáo dục có chất lượng. Một trong những quyền đó là quyền của trẻ khuyết tật nhìn cần có sách giáo khoa chữ nổi để học tập bình đẳng như các bạn sáng mắt. Buổi làm việc sẽ tiến hành rà soát tiến độ thực hiện công việc theo Kế hoạch số 1123/KH-BGDĐT và xem xét những khó khăn, công việc còn tồn đọng, những công việc cần triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
 
Ông Nguyễn Đức Minh báo cáo tại buổi làm việc 
  
Tiếp đến, ông Nguyễn Đức Minh giới thiệu chức năng, nhiệm vụ và những thành tựu đạt được của Trung tâm qua 45 năm thành lập (1976 - 2021). Đồng thời, lãnh đạo đơn vị cũng báo cáo với Thứ trưởng về việc triển khai phần mềm quản lý người khuyết tật. Định hướng tại buổi làm việc, Thứ trưởng kịp thời chỉ đạo về việc tập huấn cho các tỉnh về việc sử dụng phần mềm cần nhanh chóng và hiệu quả.
 
Hoạt động chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi Braille cho học sinh khuyết tật nhìn cũng được trình bày tại buổi họp. Theo báo cáo sơ bộ của các Sở GD&ĐT, hiện đang có khoảng 400 học sinh khuyết tật nhìn có nhu cầu sử dụng sách giáo khoa chữ nổi lớp 1, 2, 6. Trung tâm đã phối hợp với Trung ương hội người mù, các trường giáo dục trẻ khuyết tật tại Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh để thành lập 07 nhóm chuyên gia thực hiện chuyển đổi sách giáo khoa chữ nổi Braille, đồng thời huy động các nguồn lực của các tổ chức quốc tế. Theo kế hoạch đến cuối năm 2021 sẽ có bản mẫu sách giáo khoa chữ nổi Braille các môn Toán, môn Tiếng Việt, môn Tự nhiên - Xã hội lớp 1, 2, môn Ngữ văn và môn Khoa học tự nhiên lớp 6. Đến cuối tháng 6/2022, sẽ có bản mẫu sách giáo khoa chữ nổi Braille các môn học còn lại của lớp 1, 2, 6.
 
Thứ trưởng chỉ đạo các hoạt động của dụ án 
  
Kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đề nghị Trung tâm triển khai các hoạt động tích cực để đảm bảo thực hiện đúng tiến độ theo Kế hoạch 1123/KH-BGDĐT và sẽ chỉ đạo trực tiếp các Cục, Vụ chức năng liên quan để có báo cáo tiến độ chính thức, tổ chức hoạt động thẩm định cuốn chiếu và sớm có sách giáo khoa chữ nổi Braille mẫu để nhân bản cho học sinh khuyết tật nhìn.
 
Thông tin thêm: Chữ nổi Braille do một người mù tên là Louis Braille phát minh ra vào khoảng thập niên 1820. Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, hệ thống chữ nổi Braille chính thức được thế giới công nhận vào năm 1895. Năm 1898, hệ thống chữ nổi Braille du nhập vào Việt Nam và được Việt hóa. Điều đặc biệt là, cả một hệ thống ngôn ngữ, chữ cái, chữ số và ký hiệu đồ sộ, đa dạng được biểu thị chỉ bằng 6 chấm tròn với những quy tắc nhất định. Một ô Braille gồm có 06 chấm nổi được xếp thành 02 cột dọc và 03 hàng ngang. Mỗi cột dọc có 03 chấm, mỗi hàng ngang có 02 chấm. Các chấm nổi được đánh số thứ tự như sau: cột dọc trái theo thứ tự từ trên xuống dưới là các chấm 1, 2, 3; cột dọc phải theo thứ tự từ trên xuống dưới là các chấm 4, 5, 6. Các tổ hợp chấm khác nhau trong một ô Braille được mã hóa thành các kí tự (con chữ, con số, kí hiệu, biểu tượng,…) và trong trường hợp cần thiết sẽ kết hợp nhiều ô Braille để thể hiện các kí tự chữ in tương ứng bằng chữ nổi Braille.

Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam