Hội thảo “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam - Bản sắc và Hội nhập”
Ngày 05/10/2021, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam - Bản sắc và Hội nhập” theo hình trực tiếp kết hợp trực tuyến. Hội thảo tạo diễn đàn để chia sẻ những nội dung lí luận và thực tiễn có liên quan đến vấn đề xác định hệ giá trị văn hóa và giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới. Đây là một trong những hoạt động của chuỗi Hội thảo hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (06/12/1961 - 06/12/2021).
Tham dự hội thảo, về phía khách mời, có đại diện của các Cục, Vụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện của các tổ chức… đại diện của các cơ sở giáo dục trong và ngoài nước. Về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (KHGDVN), có Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng, các chuyên gia và các nhà nghiên cứu thuộc Viện. Bên cạnh đó, hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến, bao gồm các nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên và những người quan tâm ở trong và ngoài nước.
Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng phát biểu khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Trần Huy Hoàng phát biểu chào mừng sự tham dự của các vị đại biểu, các vị khách quý và toàn thể những người quan tâm đến vấn đề giá trị văn hóa và giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Theo PGS, giáo dục giá trị văn hóa có hai cách tiếp cận: cách tiếp cận từ bên ngoài thông qua các bài giảng, hoạt động giáo dục; và cách tiếp cận từ bên trong, chuyển hóa giá trị văn hóa của nhân loại thành giá trị văn hóa của mỗi cá nhân. Hội thảo đặt ra hai nhiệm vụ chính: (1) Xác định hệ giá trị văn hóa cốt lõi cho học sinh phổ thông, đặc trưng cho công dân Việt Nam trong bối cảnh vừa giữ gìn truyền thống dân tộc vừa hội nhập quốc tế; (2) Phân tích thực trạng của việc biến đổi giá trị văn hóa và giáo dục giá trị văn hóa học sinh phổ thông. Từ đó, xây dựng mô hình giáo dục văn hóa cho học sinh phổ thông, chú trọng đến quan điểm phát triển phẩm chất và năng lực cho học sinh theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
PGS.TS. Trần Huy Hoàng và PGS.TS. Trần Kiều điều hành hội thảo
Trong buổi sáng, hội thảo đã tổ chức Phiên làm việc thứ nhất “Xác định hệ giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới” với sự điều hành của PGS.TS. Trần Huy Hoàng và PGS.TS. Trần Kiều - chuyên gia cao cấp của Viện KHGDVN. Phiên làm việc buổi sáng trình bày 03 bài báo cáo tham luận và đan xen là các phần hỏi - đáp và bình luận của các chuyên gia.
Mở đầu là báo cáo “Giáo dục giá trị văn hóa trong trường phổ thông: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” của TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến. Ông nhấn mạnh giáo dục giá trị văn hóa đòi hỏi cần xác lập các giá trị văn hóa cốt lõi hình thành đối với học sinh, các nguyên tắc cần tuân thủ trong tổ chức thực hiện cùng các vai trò của giáo viên, phụ huynh và cộng đồng, và cách đánh giá về kết quả thực hiện và tác động. Từ đó cho thấy việc xây dựng khung giá trị văn hóa quốc gia, giáo dục giá trị văn hóa không chỉ là nhiệm vụ của riêng nhà trường mà cần kết hợp với gia đình và xã hội, giáo dục giá trị văn hóa phải được triển khai đồng bộ với việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và tích cực…
Ở nội dung tham luận tiếp theo, TS. Vương Phương Hạnh trình bày chủ đề “Xác định hệ giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh phổ thông Việt Nam trong giai đoạn mới". Nghiên cứu cho thấy, có năm nguyên tắc xác định hệ giá trị văn hóa, bao gồm xác định các giá trị cốt lõi, sự phù hợp với hệ giá trị văn hóa và con người Việt Nam, tính kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống, tiếp thu, bổ sung những giá trị tinh hoa của nhân loại, sự phù hợp với mục tiêu giáo dục phổ thông. Bên cạnh đó, sáu tiêu chí cần tuân thủ trong việc xác định hệ giá trị văn hóa: tính khả thi, tính đại diện, tính nhân văn, tính truyền thống, tính hiện đại, và tính định hướng. Từ đó, nhóm nghiên cứu đề xuất các giá trị văn hóa cần hình thành cho học sinh gồm: yêu nước, khoan dung, hòa bình, hợp tác, trách nhiệm, trung thực, kỉ luật, tự trọng, tự tin, và sáng tạo. Mỗi giá trị đều có sự liên kết đối với các giá trị còn lại.
Đối với nội dung tham luận thứ ba, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - Trường ĐH Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh, trình bày chủ đề “Sự biến đổi giá trị văn hóa của người Việt Nam đương đại và ảnh hưởng của nó đối với học sinh phổ thông”. Tác giả đã so sánh và phân tích hệ giá trị văn hóa của học sinh phổ thông ở nhiều nghiên cứu khác nhau. Từ đó, ông đề xuất việc giáo dục giá trị cho học sinh phổ thông cần xuất phát từ nguyên lý phổ quát là triết lý âm dương, và mục tiêu của giáo dục giá trị là làm cho phần thiện trở nên nổi trội. Hơn nữa, hệ giá trị cốt lõi cần hình thành ở học sinh phổ thông nên khắc phục những nhược điểm cố hữu do bản sắc văn hóa truyền thống sinh ra.
Phần thảo luận bắt đầu với ý kiến tham luận của các khách mời, bao gồm PGS.TS. Đặng Quốc Bảo - Học viện Quản lý Giáo dục, GS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Học viện Quản lí Giáo dục, PGS.TS. Vũ Thị Tú Anh - Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ GD&ĐT, TS. Tạ Ngọc Trí - Vụ Giáo dục Tiểu học - Bộ GD&ĐT, và một số giảng viên, giáo viên đại diện cho đội ngũ nhà giáo toàn quốc. Các ý kiến thảo luận tập trung về giá trị nhân cách trong đời sống Việt ở các thời kỳ lịch sử khác nhau, xây dựng văn hóa trường học để giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông, vai trò của gia đình trong giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông…
Hội trường điểm cầu hội thảo trực tuyến tại Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam
Theo chương trình, hội thảo tiếp tục diễn ra phiên làm việc thứ hai vào buổi chiều cùng ngày. Trong đó, có ba chủ đề được trình bày, bao gồm (i) “Kinh nghiệm quốc tế về mô hình giáo dục giá trị văn hoá cho học sinh phổ thông” của TS. Nguyễn Thị Phương - Viện Ngôn ngữ học, (ii) “Mô hình giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông Việt Nam” của TS. Lưu Thu Thuỷ - Viện KHGDVN, và (iii) “Giải pháp và biện pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông trong giai đoạn mới” của nhóm nghiên cứu TS. Đoàn Thuý Hạnh, TS. Đỗ Thu Hà và ThS. Lê Thị Sông Hương - Viện KHGDVN.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam