Hội thảo “Thực trạng nghiên cứu về Khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030”
Ngày 03/08/2022, tại trụ sở số 04 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực trạng nghiên cứu về khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và Định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030” theo hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cùng các đại biểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo tham dự hội thảo
Hội thảo đã thu hút hơn 100 đại biểu tham dự theo hình thức trực tiếp và hơn 100 đại biểu tham dự theo hình thức trực tuyến là các cán bộ quản lý, các nhà giáo dục, giảng viên, nghiên cứu viên của các trường đại học, các viện nghiên cứu và những người quan tâm trên toàn quốc.
Hội thảo là diễn đàn để trao đổi, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến xây dựng định hướng nghiên cứu về khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 với những nội dung trọng tâm về khung lý luận về phát triển khoa học giáo dục, thực trạng nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2022 và định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030.
Thứ trưởng phát biểu chỉ đạo hội thảo
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới khoa học giáo dục trong sự phát triển của ngành nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung. Ông giao nhiệm vụ cho các đơn vị nghiên cứu và các cơ sở giáo dục đại học cần có định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục để làm rõ các quy luật phát triển của các vấn đề giáo dục, kinh nghiệm quốc tế có liên quan và sự phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Đức Minh báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020
Tiếp theo chương trình, Phó Viện trưởng Nguyễn Đức Minh trình bày báo cáo “Nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020”. Nội dung chính đề cập đến khung lý thuyết của nghiên cứu khoa học giáo dục, các kết quả nghiên cứu chính về khoa học giáo dục, những bất cập trong nghiên cứu về khoa học giáo dục và một số định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục Việt Nam. Trong giai đoạn 2011-2020, nền khoa học giáo dục nước ta tập trung phục vụ cho công tác quản lý ngành, tức là tập trung nghiên cứu ứng dụng triển khai. Để nền khoa học giáo dục quốc gia có thể hoàn thành được sứ mệnh trọng yếu là định hướng phát triển nền giáo dục quốc dân trong tương lai, cần phát triển khoa học giáo dục Việt Nam cân đối, hài hòa cả hai hướng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Trong mỗi hướng cần phát triển đầy đủ các cấu phần với mức độ ưu tiên khác nhau nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục trong cả mảng nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, triển khai cần được xây dựng trên nền móng các nghiên cứu đã thực hiện theo hướng kế thừa và phát triển đáp ứng yêu cầu của khoa học giáo dục nói riêng và giáo dục nói chung trong bối cảnh mới.
GS. TS. Lê Anh Vinh báo cáo tổng kết các đề tài/nhiệm vụ thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia
Bài báo cáo thứ hai về Kết quả thực hiện Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 “Nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam” do GS.TS. Lê Anh Vinh trình bày. Báo cáo tổng kết các kết quả chính của 49 đề tài/ nhiệm vụ thuộc Chương trình theo các nhóm nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết 29, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế và đề xuất một số giải pháp để thực hiện Chương trình trong giai đoạn tới vừa đáp ứng yêu cầu quản lý ngành vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Ông cũng đưa ra các chủ đề nghiên cứu khoa học giáo dục cần trọng tâm trong giai đoạn tới để cùng thảo luận về phương pháp giảng dạy và đào tạo sư phạm đối với giáo viên, công nghệ giáo dục, tâm lý giáo dục, và giáo dục đại học.
Sau phiên toàn thể, Hội thảo thực hiện thảo luận theo 04 phiên song song và trình bày tổng hợp ý kiến tại hội trường chung.
Phiên 1 “Những vấn đề chung về khoa học giáo dục” do GS.TS. Nguyễn Hữu Châu và PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận điều hành. Các đại biểu tập trung ý kiến về một số vấn đề sau: góp ý một số nhận định, đánh giá về báo cáo thực trạng và định hướng, cách hiểu về khái niệm nghiên cứu cơ bản là khác nhau nên khi đưa ra nhận định cần có giải thích rõ ràng, tránh gây nhầm lần, nghiên cứu cơ bản không có nghĩa chỉ là nghiên cứu lý thuyết, cần khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, đa ngành; cần có nghiên cứu về triết học giáo dục để phân tích những vấn đề giáo dục ở cấp độ triết học, cần tìm ra những quy luật, mối quan hệ giữa các vấn đề, những nghiên cứu trong giai đoạn tới cần mang tính xã hội và phạm vi lớn hơn…
Các đại biểu thảo luận tại phiên thứ hai
Phiên 2 “Khoa học giáo dục về Giáo dục mầm non và người có nhu cầu giáo dục đặc biệt” do PGS.TS. Nguyễn Đức Minh và PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Trinh điều hành. Nhóm thảo luận cùng nhau đánh giá mức độ ưu tiên các định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Nhìn chung, các đại biểu đồng thuận cao với những ưu tiên nghiên cứu về chỉ số phát triển tâm, sinh lý của người học; đảm bảo công bằng về giáo dục có chất lượng cho các đối tượng người học và vùng, miền; số hoá và học tập suốt đời, phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp với đặc điểm và nhu cầu địa phương, phát triển nguồn nhân lực cho giáo dục, đào tạo trong bối cảnh CMCN 4.0… Ngoài ra, đề xuất thêm khung tiêu chuẩn chất lượng về cơ sở vật chất, về đánh giá cho đối tượng giáo dục đặc biệt, mô hình giáo dục đáp ứng tính đặc thù của đặc điểm kinh tế - xã hội vùng miền, phát triển nguồn nhân lực để thích ứng với các mô hình kinh tế khác nhau…
Phiên 3 “Khoa học giáo dục về Giáo dục phổ thông” do GS.TS. Lê Anh Vinh và PGS.TS. Phạm Đức Quang điều hành. Các đại biểu đề xuất cần làm rõ hệ thống cơ sở lí luận là nền tảng cho các nghiên cứu khoa học giáo dục, làm rõ cơ sở dữ liệu, đặc biệt là các chỉ số về khoa học giáo dục Việt Nam, tăng cường nghiên cứu liên ngành, đối với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, cần có và tiếp tục nghiên cứu về đổi mới phương pháp, đánh giá, xã hội hoá giáo dục, vấn đề sách giáo khoa, hướng nghiệp và phân luồng sau giáo dục phổ thông, đánh giá và phát triển Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, những vấn đề về điều kiện đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, chuyển đổi số trong giáo dục, cơ sở tâm lý học và giáo dục học và vai trò trong nhà trường, nghiên cứu về tâm lý người học và người dạy, nâng cao hiệu quả dạy - học trong nhà trường phổ thông…
Phó Viện trưởng Trần Huy Hoàng điều hành phiên họp thứ tư
Phiên 4 “Khoa học giáo dục về Giáo dục Đại học và Học tập suốt đời” do PGS.TS. Trần Huy Hoàng và TS. Nguyễn Minh Tuấn điều hành. Nhóm thảo luận đề xuất cần tiếp tục nghiên cứu về giáo dục đại học để bắt kịp với xu thế quốc tế, cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong giáo dục đại học, chuẩn đầu ra trong các trường đại học, kiểm định chất lượng giáo dục đại học, xây dựng hệ thống giáo dục suốt đời, hệ thống trường đại học mở trong bối cảnh CMCN 4.0 để đảm bảo sứ mệnh mọi người được học tập suốt đời, hệ thống đại học ảo, dự báo và quy hoạch nguồn nhân lực, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế…
GS. TS. Nguyễn Hữu Châu trình bày kết quả thảo luận của phiên thứ nhất
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS. TS. Lê Anh Vinh tóm lược các nhiệm vụ trọng tâm tiếp theo sau Hội thảo: (1) Cần tăng cường nhận thức được tầm quan trọng và vai trò về nghiên cứu khoa học giáo dục và các vấn đề về giáo dục trong bối cảnh sự đầu tư, nguồn lực còn hạn chế; (2) Xây dựng từ điển thuật ngữ về khoa học giáo dục; (3) Xây dựng chương trình nghiên cứu khoa học giáo dục cấp Quốc gia và cấp Bộ; và (4) Các định hướng nghiên cứu khoa học giáo dục sẽ tiếp tục được hoàn thiện, và xin ý kiến chuyên gia trước khi trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu tổng kết hội thảo
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam