Hội nghị chuyên đề về Đo lường Khách quan khu vực Vành đai Thái Bình Dương
Ngày 2/12/2022, tại số 4 Trịnh Hoài Đức, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội nghị chuyên đề về Đo lường Khách quan khu vực Vành đai Thái Bình Dương. Chủ đề của hội thảo năm nay là Ứng dụng mô hình Rasch trong nghiên cứu tâm lý và giáo dục.
Hội thảo thu hút các nhà diễn giả trong nước và quốc tế với các báo cáo khoa học tập trung vào đo lường và đánh giá trong các lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, bao gồm tâm lý học, giáo dục, kinh tế, chăm sóc sức khỏe, ngôn ngữ và các lĩnh vực liên quan khác.
Viện trưởng Lê Anh Vinh phát biểu khai mạc hội nghị
Phát biểu khai mạc hội nghị, GS.TS. Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chào mừng sự hiện diện của các vị khách quý trong và ngoài nước và cảm ơn các đại biểu đã vượt một chặng đường dài để tới với hội nghị. PROMS (Pacific Rim Objective Measurement Symposium - Hội thảo chuyên đề về Đo lường Khách quan khu vực Vành đai Thái Bình Dương) là một hội thảo chuyên môn phi chính phủ, được tổ chức thường niên từ năm 2005, để thúc đẩy hoạt động đo lường, đánh giá khách quan, và đóng góp vào công cuộc nghiên cứu và phát triển các mô hình đo lường này ở khu vực Vành đai Thái Bình Dương. Từ ngày 01 - 03 tháng 12 năm 2022, lần đầu tiên PROMS được tổ chức ở Việt Nam và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam vinh dự là đơn vị đăng cai tổ chức. Ông hi vọng hội nghị sẽ là diễn đàn để chia sẻ kiến thức mới với cộng đồng các nhà nghiên cứu về khoa học đo lường đánh giá quốc tế.
GS. George Engelhard trình bày các trụ cột của trí tuệ đo lường
Bài phát biểu quan trọng đầu tiên với chủ đề Các trụ cột của trí tuệ đo lường (The Pillars of Measurement Wisdom) do GS. George Engelhard, Đại học Georgia, Mỹ trình bày.
GS. Trevor Bond chia sẻ thông tin về trí tuệ đo lường
Ngày làm việc đầu tiên của hội nghị bắt đầu với báo cáo Trí Tuệ Đo Lường (Measurement Wisdom) của GS. Trevor Bond từ Đại học James Cook, Australia. Tiếp theo là chủ đề Phép đo Rasch trong các lĩnh vực cụ thể (Rasch Measurement in Domain-Specific Subjects) được điều hành bởi GS. Rarrin Seema Siddiqui, Đại học Vin, Việt Nam với hai tham luận. Tham luận "Điểm kiểm tra Rasch tương đương và điểm neo cho việc đánh giá ở trường trung học” của diễn giả Chieng Zouh Fong, Đại học Malaya, Malaysia nhằm giới thiệu một mô hình đánh giá cho giáo viên và giúp giáo viên ở Malaysia xác định hiệu quả tương đối của các phương pháp đánh giá điểm kiểm tra trong việc so sánh các biện pháp đánh giá liên tục trong lớp học của học sinh. Tham luận thứ hai "Sử dụng lý thuyết đo lường Rasch để cải thiện chức năng của đánh giá lượng giác” của diễn giả Sarah Bansilal, Đại học KwaZulu-Natal, Nam Phi" Mục đích của bài báo là sử dụng lý thuyết đo lường Rasch (RMT) để cải thiện một công cụ đánh giá trong môn lượng giác cho các giáo viên dạy toán tại chức.
TS. Mohd Zali Mohd Nor điều hành phiên làm việc về nghiên cứu kiểm chứng
Chủ đề của phiên làm việc thứ hai “Nghiên cứu Kiểm chứng với Phép đo Rasch” (Validation Studies with Rasch Measurement) do TS. Mohd Zali Mohd Nor đến từ Malaysia điều hành với bốn tham luận: 1) “Tính xác thực và hiệu chỉnh đánh giá giao tiếp có độ rủi ro cao” (Validation and Calibration of High-stakes Assessment of Communication) của PGS.TS. Cúc Nguyễn, Đại học Melbourne, Úc; 2) "Sử dụng mô hình Rasch để đánh giá các thuộc tính tâm lý của thang đo HLS19-COM-NO, HLS19-NAV-NO, HLS19-DSK và HLS19-DHL để đo lường kiến thức về giao tiếp, định hướng và sự hiểu biết về sức khỏe kỹ thuật số ở thanh thiếu niên và thanh niên” của Christopher Le, Đại học Khoa học Ứng dụng Inland Norway; 3) "Phát triển và phân tích chất lượng của bảng câu hỏi để đo lường năng lực chuyên môn” của Anatoly Maslak, Đại học bang Kuban, Nga"; 4) "Xác nhận sự tiến triển của tư duy nhận dạng hóa học của sinh viên khoa khoa học sức khỏe bằng cách sử dụng phân tích Rasch” của Jonathan M. Barcelo, Đại học Saint Louis, Philippines.
Phiên làm việc buổi chiều với ba chủ đề: 1) Đo lường giáo dục ở Việt Nam (Educational Measurement in Vietnam) được trình bày bởi GS. Zi Yan từ Đại học Giáo dục Hồng Kông; 2) Chủ đề Thử nghiệm thích ứng và Thiết lập tiêu chuẩn (Adaptive Testing and Standard Setting) được trình bày bởi TS. Đặng Xuân Cương, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam; 3) Cách áp dụng Rasch và Phương pháp nhiều khía cạnh (How to apply Rasch and Many facets Methodology) với sự trình bày của GS. George Engelhard, Đại học Georgia, Hoa Kỳ.
Các đại biểu tham dự hội nghị
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam