Tham dự hội thảo, về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo có TS. Hoàng Đức Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên. Về phía Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, có sự tham dự của PGS. TS. Mai Văn Trinh – Phó Viện trưởng, TS. Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, cùng toàn thể cán bộ nghiên cứu của đơn vị. Về phía tổ chức quốc tế có bà Miki Nazawa, Trưởng Ban Giáo dục, UNESCO Việt Nam. Về phía các đơn vị, tổ chức trong nước, có TS. Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam, bà Phan Thị Thanh Mai – Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thủy – Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người, ông Phan Ngọc Việt – Phó Chủ tịch Hội người điếc Việt Nam, Bà Khất Thị Hoa Oanh - Trung tâm Giáo dục Nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Hà Tây. Hội thảo còn tiếp đón các chuyên gia lĩnh vực giáo dục thường xuyên trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Viện trưởng Mai Văn Trinh chào mừng các đại biểu tham dự hội thảo. Ông cho biết học tập suốt đời đã trở thành nhu cầu tất yếu ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhằm định hướng phát triển học tập suốt đời, ông mong muốn các chuyên gia tham vấn các vấn đề cần quan tâm đến Luật Học tập suốt đời, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế xây dựng xã hội học tập, và dự thảo khung Luật Học tập suốt đời.
Phát biểu tại hội thảo, bà Miki Nazawa đánh giá cao sư hợp tác giữa UNESCO Việt Nam và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam trong những năm vừa qua, hội thảo này là một hoạt động có ý nghĩa đối với lĩnh vực suốt đời. UNESCO Việt Nam cam kết đồng hành với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam xây dựng và phát triển của xã hội học tập tại Việt Nam.
Bắt đầu hội thảo, TS. Nguyễn Minh Tuấn trình bày báo cáo khái quát việc thực hiện chính sách liên quan đến học tập suốt đời. Nội dung trình bày thực trạng các văn bản pháp lý về học tập suốt đời, thực trạng thực thi các văn bản pháp lý về học tập suốt đời, nhu cầu các bên liên quan trong việc xây dựng, ban hành pháp luật về học tập suốt đời tại bốn tỉnh, thành thực hiện khảo sát (Hà Nôi, Thanh Hóa, Gia Lai và Đồng Tháp).
Tiếp theo chương trình, TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến trình bày bài tham luận Luật Học tập suốt đời nhìn từ yêu cầu hoàn thiện thể chế giáo dục Việt Nam trong bối cảnh mới. Ông chỉ ra rằng Luật HTSĐ sẽ là cấu phần mới cần thiết và tất yếu của thể chế giáo dục; với vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong việc góp phần thực hiện sứ mệnh giáo dục trong bối cảnh mới vì sự phát triển con người và nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
TS. Rika Yorozu – Văn phòng UNESCO Bangkok, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Luật Học tập suốt đời của các quốc gia ở Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore).
Bà Bùi Thanh Xuân – Phó Trưởng Ban nghiên cứu Giáo dục thường xuyên, trình bày một số định hướng chính sách và đề xuất dự thảo khung Luật Học tập suốt đời của Việt Nam. Các nội dung đề xuất được xem xét trong bối cảnh, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như các bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn xây dựng xã hội học tập, thúc đẩy học tập suốt đời ở các địa phương trong cả nước.
Phiên thảo luận do Phó Viện trưởng Mai Văn Trinh và TS. Nguyễn Minh Tuấn chủ trì. Các chuyên gia chia sẻ, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động giáo dục suốt đời. Các vấn đề tập trung thảo luận về các đối tượng của luật, cách dạy và học theo các trình độ đào tạo, nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan, tài chính dành cho học tập suốt đời, các mô hình xã hội học tập, định hướng chương trình và nội dung chương trình, tính nhất quản giữa các bộ luật liên quan, xã hội hóa.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Tạp chí Khoa học Giáo dục Việt Nam