Hội thảo “Tham vấn phân tích ngành giáo dục – Chỉ số phát triển giáo dục và cơ sở dữ liệu”
Ngày 11 tháng sáu năm 2020, tại Hà Nội, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam và Tổ chức UNESCO đã đồng tổ chức hội thảo “Tham vấn phân tích ngành giáo dục – Chỉ số phát triển giáo dục và cơ sở dữ liệu”
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành giáo dục, đại diện của tổ chức UNESCO, UNICEF, lãnh đạo các Cục, Vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các lãnh đạo và các cán bộ nghiên cứu của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo
Sau phát biểu khai mạc của GS.TS Trần Công Phong - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng có bài trình bày “Chỉ số giáo dục Việt Nam”. Các đại biểu tham dự Hội thảo đều nhất trí bộ chỉ số giáo dục Việt Nam là cần thiết.
PGS.TS Lê Anh Vinh – Phó Viện trưởng trình bày báo cáo “Chỉ số giáo dục Việt Nam”
“Chính phủ Việt Nam đã cam kết và có kế hoạch thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 4. Việc xây dựng bộ chỉ số phát triển giáo dục cũng là một bước thực hiện kế hoạch. Bộ chỉ số cần được xây dựng để phản ánh được cam kết của Việt Nam”- ông Toshiyuki Matsumoto Đại diện UNESCO phát biểu.
Ông Toshiyuki Matsumoto Đại diện UNESCO phát biểu tại Hội thảo
Các chuyên gia cũng góp ý cần xem xét, làm rõ thêm hoặc điều chỉnh các tiêu chí trong bộ chỉ số nhằm hoàn thiện bộ cơ sở dữ liệu này. GS.TS Vũ Trọng Rỹ góp ý cần bổ sung thêm chỉ số về giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Lao Động - Thương Binh – Xã hội. PGS. TS. Trần Kiều khẳng định tầm quan trọng của bộ chỉ số giáo dục, không chỉ để xây dựng chiến lược mà còn cung cấp nhiều thông tin cần thiết của cả ngành.
Hội thảo cũng nhận được những phát biểu đóng góp rất có giá trị từ các chuyên gia đầu ngành như GS.TS Đặng Bá Lãm, PGS.TS Phan Văn Nhân, PGS. TS. Đỗ Thị Bích Loan…
PGS. TS. Trần Kiều phát biểu tại hội thảo
Ngoài các chuyên gia, đại diện của các cục, vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đóng góp ý kiến. TS. Tạ Ngọc Trí - Vụ trưởng Vụ Tiểu học nhấn mạnh: “Chỉ số về tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình là một trong số các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”. Ủng hộ việc xây dựng bộ chỉ số giáo dục, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD&ĐT – Ông Phạm Quang Hưng cho rằng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan trong quá trình xây dựng bộ chỉ số.
TS. Tạ Ngọc Trí - Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD & ĐT phát biểu tại hội thảo
Tiếp theo phần trình bày về bộ chỉ số giáo dục, PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Trinh đã trình bày tóm tắt báo cáo “Phân tích ngành về giáo dục mầm non” do Trung tâm Nghiên cứu giáo dục Mầm non thuộc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức thực hiện, sử dụng hệ thống dữ liệu từ Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tổng cục Thống kê, … Nhóm xây dựng báo cáo đã tiến hành khảo sát tại 5 tỉnh đại diện (Hà Nội, Lào Cai, Nghệ An, KonTum, Bình Dương) và tham vấn với các bên liên quan. Báo cáo đã đưa ra những nhận định có giá trị về bối cảnh và chính sách giáo dục mầm non, về tiếp cận, công bằng và chất lượng giáo dục mầm non và về các điều kiện cần thiết cho giáo dục mầm non, đòng thời khuyến nghị về chính sách phát triển giáo dục mầm non của Việt Nam.
Phát biểu tổng kết hội thảo, GS.TS Trần Công Phong, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của bộ chỉ số giáo dục, những vấn đề cần được lưu ý để hoàn thiện bộ chỉ số cũng như ý nghĩa của Báo cáo phân tích ngành về giáo dục mầm non. GS. TS. Trần Công Phong cũng nhấn mạnh việc xây dựng Báo cáo Phân tích ngành là hết sức cần thiết không chỉ bởi Báo cáo sẽ cung cấp những phân tích đầy đủ về giáo dục toàn ngành trong giai đoạn thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục 2010-2020, mà Báo cáo Phân tích ngành giáo dục sẽ là một trong những cơ sở để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn tiếp theo.
Ban Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược phát triển giáo dục