Nghiệm thu cơ sở đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam”
Ngày 22/12/2021, tại phòng họp A4, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tổ chức nghiệm thu đề tài KH&CN cấp Bộ “Nghiên cứu về công dân toàn cầu Việt Nam”, mã số KHGD/16-20.ĐT.009, do TS. Lương Việt Thái làm chủ nhiệm.
Hội đồng nghiệm thu đề tài
Hội đồng nghiệm thu gồm bảy người, do PGS. TS. Trần Kiều làm Chủ tịch hội đồng. Tham dự buổi nghiệm thu còn có sự tham dự của Phó Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam PGS. TS. Trần Huy Hoàng cùng đại diện các phòng chức năng.
Mục đích tổng quát của nghiên cứu là xây dựng bộ tiêu chí về công dân toàn cầu và đề xuất cách thức thực hiện ở các nhà trường phổ thông Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa, liên văn hóa. Mục tiêu cụ thể là xây dựng bộ tiêu chí về công dân toàn cầu phù hợp với văn hóa và mức độ hội nhập quốc tế của Việt Nam; thí điểm thực hiện bộ tiêu chí về công dân toàn cầu tại một số trường phổ thông Việt Nam; đề xuất chính sách giáo dục, phương thức tổ chức, thực hiện giáo dục công dân toàn cầu tại Việt Nam dựa theo bộ tiêu chí về công dân toàn cầu.
Qua nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đưa ra ba đặc tính cốt lõi của giáo dục công dân toàn cầu đã được thống nhất và công nhận rộng rãi, đó là: 1) giáo dục công dân toàn cầu đề cập đến việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về sự phụ thuộc lẫn nhau trong các vấn đề toàn cầu; 2) giáo dục công dân toàn cầu tạo điều kiện cho học sinh phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như các kĩ năng tư duy phản biện; 3) giáo dục công dân toàn cầu khuyến khích học sinh tham gia và đảm nhận vai trò tích cực.
Nhóm nghiên cứu đề xuất quan niệm công dân toàn cầu Việt Nam là người có khả năng hành động hợp tác, có trách nhiệm, sáng tạo giải quyết những vấn đề chung của cộng đồng, góp phần làm cho địa phương, đất nước, thế giới tốt đẹp hơn và phát triển bền vững; giao tiếp, thích ứng trong những môi trường đa văn hóa; tôn trọng quyền con người, trân trọng, phát huy những giáo trị văn hóa của dân tộc, đất nước mình, có ý thức học hỏi những tinh hoa văn hóa của dân tộc, quốc gia khác. Từ đó, đề tài đề xuất những tiêu chí đánh giá công dân toàn cầu Việt Nam theo kiến thức, kĩ năng và thái độ, giá trị.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận, kinh nghiệm quốc tế, phân tích chương trình thực tiễn Việt Nam, nhóm nghiên cứu cũng đề xuất các mục tiêu cụ thể cho từng cấp học. Tiêu chí và các mục tiêu cụ thể cho từng cấp học là sự cụ thể hóa cho mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực đã được đưa ra trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Nhìn chung, giáo dục công dân toàn cầu ở phổ thông góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, và thực hiện có hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông. Giáo dục công dân toàn cầu giúp tăng về “chất” cho những phẩm chất và năng lực mà học sinh được hình thành, phát triển, đáp ứng tốt vai trò người công dân, người công dân trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Từ đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị về việc biên soạn và ban hành Tài liệu hướng dẫn thực hiện giáo dục công dân toàn cầu ở phổ thông với những nọi dung chủ yếu về khái niệm và tiêu chí công dân toàn cầu; mục tiêu, nội dung giáo dục công dân toàn cầu ở từng cấp học; hướng dẫn thực hiện qua các môn học… đồng thời cần có những tài liệu hướng dẫn cộng đồng; Xây dựng các mô hình thực tiễn cụ thể và thực hiện hiệu quả giáo dục công dân toàn cầu để các nhà trường, giáo viên tham khảo, học tập, nhân rộng; Xây dựng cơ chế hợp tác giữa Bộ Giáo dục và đào tạo với một số bộ, ngành khác trong giáo dục công dân toàn cầu và cả giáo dục phát triển bền vững…
Các thành viên hội đồng đánh giá đây là một đề tài xuất sắc với bộ tiêu chí hoàn chỉnh, được sắp xếp theo sự tăng tiến, tích hợp ma trận trong các môn học, và có sự minh họa cụ thể với mỗi môn học. Các phần, mục của đề tài được sắp xếp khoa học, logic, hợp lý. Các sản phẩm của đề tài vượt trội. Tuy nhiên, báo cáo tổng kết không nên viết quá dày gây khó khăn cho người đọc, các thuật ngữ không nên đi quá sâu theo các khía cạnh, và nên giải thích thêm tiêu chí chọn lớp và thông tin về giáo viên tham gia thử nghiệm.
Tạp chí Khoa học giáo dục Việt Nam