Sinh hoạt chuyên đề Quý III, IV: Thực hành rèn luyện, phát huy tác phong lề lối làm việc; Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

31/12/2024 08:20 GMT+7
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2024, trong quý III và quý IV, chi bộ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học đã tổ chức sinh hoạt hai chuyên đề cùng hướng đến chủ đề: Thực hành rèn luyện, phát huy tác phong, lề lối làm việc; tự phê bình và phê bình theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.

Mục đích của sinh hoạt theo chủ đề này nhằm giúp cho cán bộ, đảng viên hiểu sâu sắc hơn về việc rèn luyện phát huy tác phong lề lối làm việc theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Từ đó, các cán bộ, đảng viên có thể thực hành tự phê bình và phê bình theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh để cùng phát triển tập thể, phát triển bản thân trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay. Hai chuyên đề được tổ chức cách nhau một quý, nhằm chuẩn bị đủ thời gian cho mỗi cán bộ, đảng viên có thể tìm hiểu sâu sắc hơn, chuẩn bị và thực hành sát với thực tiễn công tác của bản thân.
  
Chuyên đề quý III “Rèn luyện, phát huy tác phong và lề lối làm việc theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” giúp cán bộ, đảng viên rút ra được một bài học lớn về phong cách làm việc khoa học, dân chủ, nghiêm túc, tôn trọng nội quy, quy định. Học tập và làm theo phong cách của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay, giúp cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Các ý kiến thảo luận tập trung vào việc làm rõ những nội dung quan trọng cần vận dụng vào thực tiễn, rong đó tự phê bình và phê bình theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh được nhiều cán bộ, đảng viên quan tâm.
  
Chuyên đề quý IV “Tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh” đã nâng cao ý thức, đạo đức và trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên trong việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hành động thiết thực, cụ thể. Tự phê bình và phê bình có mục đích và ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đồng thời cũng gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của đơn vị nghiên cứu về khoa học giáo dục. Các ý kiến thảo luận tập trung vào vấn đề đảm bảo các nguyên tắc trung thực, khách quan, xây dựng, công khai. Hoạt động tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, nghiêm chỉnh dựa trên tình đồng chí, đồng nghiệp. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sinh hoạt Đảng và là quy luật phát triển của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, uy tín của tổ chức Đảng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Các cán bộ, đảng viên của Chi bộ và Trung tâm đã trực tiếp gắn kết với việc nâng cao tác phong, lề lối làm việc, tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền với công việc ở cơ quan.
  
Qua hai chuyên đề này, các cán bộ, đảng viên đều thấm nhuần việc học tập và làm theo phong cách của Người có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng, giúp cán bộ, đảng viên phải luôn tu dưỡng, rèn luyện để trở thành những người có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống giản dị, trong sáng, luôn gắn bó mật thiết với nhân dân. Bài học về tác phong, lề lối làm việc của Hồ Chí Minh như một lời nhắc nhở cho cán bộ, đảng viên phải luôn biết quý trọng thời gian, phải làm việc đúng giờ và không nên lãng phí thời gian.
  
Kết luận buổi sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Thị Hảo, Bí thư chi bộ nhấn mạnh việc cần thiết phải duy trì thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên đề để nâng cao chất lượng công tác Đảng cũng như nâng cao hiệu quả công việc cho cán bộ đảng viên.
  
Dưới đây là một số hình ảnh của hai buổi sinh hoạt.
 

Toàn thể đảng viên và cán bộ nghiên cứu thảo luận và phát biểu ý kiến tại buổi sinh hoạt chuyên đề quý IV
   
Slide trình chiếu chuyên đề: Vận dụng tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vào rèn luyện, phát huy tác phong, lề lối làm việc tại cơ quan trong buổi sinh hoạt chuyên đề quý III
  
Đồng chí Nguyễn Thị Hảo, Bí thư Chi bộ, kết luận cuối bổi sinh hoạt của chủ đề
  
Bài và ảnh: Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học